Tuyên Quang: Áp dụng công nghệ tiên tiến trong xây dựng cầu, đường

Ngày 17/06/2011
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có nhiều cây cầu và tuyến đường giao thông đã đưa vào sử dụng như cầu Tân Hà, cầu An Hòa, cầu vượt trên quốc lộ 2 (đoạn tránh thành phố Tuyên Quang) và gần đây nhất là cầu Kim Xuyên (Sơn Dương) đang xây dựng được áp dụng công nghệ thi công tiên tiến, hiện đại, với kỹ thuật thi công cao.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có nhiều cây cầu và tuyến đường giao thông đã đưa vào sử dụng như cầu Tân Hà, cầu An Hòa, cầu vượt trên quốc lộ 2 (đoạn tránh thành phố Tuyên Quang) và gần đây nhất là cầu Kim Xuyên (Sơn Dương) đang xây dựng được áp dụng công nghệ thi công tiên tiến, hiện đại, với kỹ thuật thi công cao.

Cầu Kim Xuyên (Sơn Dương) được khởi công xây dựng cuối năm 2010. Đây là công trình cầu cấp 1 - có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh - cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với chiều rộng 11m, chiều dài 638m, thiết kế chịu động đất cấp 7.


Cầu gồm 10 nhịp, trong đó có 2 nhịp dài 120m. Mặt cầu được bố trí theo bán kính đường cong lớn, độ dốc nhỏ. Dầm hộp được thiết kế theo các đường cong tuyến tính tạo nên sự hài hòa, đẹp mắt. Đặc biệt, đây là cây cầu có khối lượng bê tông trụ lớn nhất từ trước đến nay (hơn 2.500 m3/trụ). Dầm cầu và trụ T5, T6, T7 được liên kết thành hệ khung cứng nên độ dao động của cầu khi xe chạy rất nhỏ, tạo cảm giác êm thuận cho người và phương tiện khi đi qua cầu. Kết cấu hệ khung dầm hiện đại hơn rất nhiều so với kết cấu khung T dầm đeo ở cầu Nông Tiến. Cầu Nông Tiến là khung T dầm đeo, gồm 13 khe co giãn trong khi cầu Kim Xuyên chỉ bố trí 4 khe co giãn nên giao thông đi lại êm thuận hơn.

Dầm cầu Kim Xuyên là loại dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực liên tục, thi công theo công nghệ đúc hẫng cân bằng. Khẩu độ nhịp L = 120m - khẩu độ nhịp vượt sông lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Việc sử dụng phương pháp thi công đúc hẫng cân bằng cho dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực có nhiều lợi thế, đặc biệt trong điều kiện khó khăn hay không thể thi công hệ đà giáo như các trường hợp qua thung lũng sâu, sông rộng, khoảng diện tích phía dưới dầm cầu có giao thông đi lại hay trường hợp nền đất yếu phải đầu tư nhiều chi phí cho móng hệ đà giáo trụ tạm.


Cầu vượt tại điểm giao cắt giữa

QL37 và QL2 tránh thành phố Tuyên Quang rộng 20m, tải trọng thiết kế H30. Kết cấu nhịp là dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực đúc trên hệ đà giáo. Đây là công nghệ thi công phức tạp, bởi trọng lượng mỗi dầm cầu nặng đến gần 1.000 tấn, trong khi trọng lượng của dầm cầu bình thường chỉ khoảng 60 tấn. Do vậy không thể thi công bằng phương pháp lao lắp dầm thông thường mà phải thi công đổ bê tông dầm trực tiếp trên hệ đà giáo.

Để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, an toàn khi thi công, hệ đà giáo phải được tính toán thiết kế để đảm bảo chịu được tải trọng của bản thân dầm và tải trọng thi công như máy móc, thiết bị, con người. Đồng thời phải gia cố nền đất phía dưới đảm bảo đất nền không bị sụt lún, biến dạng mới đảm bảo an toàn khi thi công dầm. Cầu được thiết kế với 1 nhịp dầm hộp, chiều dài 40m tạo sự hài hòa, đẹp mắt, thích hợp khi hòa phối ở các nút giao thông hiện đại có nhiều nhánh giao cắt. Vì vậy mà nút giao Quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Tuyên Quang được đánh giá là một trong những nút giao thông có quy mô lớn, hiện đại và đẹp nhất ở miền Bắc.

Công nghệ thi công dầm hộp theo phương pháp đúc hẫng cân bằng và dầm hộp giản đơn đúc trên đà giáo là công nghệ thi công tiên tiến, hiện đại nhất được áp dụng trên địa bàn tỉnh, đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, an toàn lao động trong quá trình thi công. Việc áp dụng các công nghệ này vừa tiết kiệm được chi phí xây dựng, rút ngắn thời gian thi công và đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu về chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật và sự bền vững của công trình.

VTTH -Theo Báo Tuyên Quang