Chế tạo mô hình máy bay lên thẳng

Ngày 13/01/2010
Máy bay này có thể được ứng dụng để mang theo camera quan sát di động từ trên cao, chụp không ảnh ở những nơi con người khó tiếp cận...
Máy bay này có thể được ứng dụng để mang theo camera quan sát di động từ trên cao, chụp không ảnh ở những nơi con người khó tiếp cận...
Công trình “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo mô hình máy bay lên thẳng bốn chong chóng có khả năng tự cân bằng và di chuyển trong nhà” của kỹ sư Lê Công Danh, giảng viên Khoa Cơ khí Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, đã được nghiệm thu ngày 1-12 tại Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM. Theo đuổi đề tài này từ khi mới tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TPHCM từ năm 2006 đến nay, Lê Công Danh là người đầu tiên ở VN nghiên cứu về loại hình máy bay này.
Kỹ sư Lê Công Danh và mô hình máy bay lên thẳng tại buổi nghiệm thu đề tài ngày 1-12.
Dễ điều khiển
Trước sự chứng kiến của hội đồng nghiệm thu, kỹ sư Lê Công Danh đã điều khiển máy bay bay lên đến sát trần nhà, giữ cân bằng và di chuyển qua bộ điều khiển từ xa. Sau đó, kỹ sư Danh còn treo thêm vật nặng là 2 chiếc ly sứ uống nước có trọng lượng tương đương 0,5 kg vào phía dưới máy bay mà máy bay vẫn giữ được độ cao và hoạt động như bình thường. 
Kỹ sư Lê Công Danh cho biết giống như máy bay trực thăng thông thường (helicopter), trực thăng bốn chong chóng (quadrocopter) cũng có khả năng cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng, có khả năng di chuyển theo 6 hướng: trước - sau, trái - phải, lên - xuống và đứng yên tại chỗ (hover) ở trên cao. Tuy nhiên, mô hình trực thăng thông thường có kết cấu cơ khí rất phức tạp và nhiều chi tiết nhỏ gia công tinh xảo, ngoài ra, còn có hệ thống cánh quạt đuôi. Tất cả những yếu tố đó làm máy bay thông thường tiêu tốn đến 25% năng lượng tổng cộng của máy bay - đây là năng lượng vô ích làm giảm hiệu suất của máy bay. Ngược lại, trực thăng bốn chong chóng khắc phục được tất cả nhược điểm trên.
Một yếu tố rất quan trọng nữa là do đường kính cánh quạt của quadrocopter nhỏ hơn nhiều so với cánh quạt của helicopter nên việc bay thử nghiệm hay bay trong nhà cũng dễ dàng và thuận lợi, không gây nguy hiểm tới người xung quanh.
Để bảo đảm độ nhẹ của mô hình máy bay lên thẳng bốn chong chóng, kỹ sư Lê Công Danh đã nghiên cứu sử dụng vật liệu là nhôm và sợi carbon để chế tạo khung máy bay. So với các máy bay mô hình đang bán trên thị trường, sản phẩm này có mạch điện điều khiển phức tạp hơn, giúp người sử dụng dễ dàng điều khiển hơn, người chưa sử dụng bao giờ cũng có thể điều khiển được. Đây là điểm khác biệt lớn vì muốn sử dụng helicopter, người dùng phải làm quen một thời gian khá lâu, thường thì phải tập lái trên các phần mềm mô phỏng từ trước, nếu không, khả năng rớt máy bay rất dễ xảy ra. Ngoài ra, pin sử dụng phải là loại pin chuyên dụng, có thời gian sạc nhanh và dung lượng lớn để bảo đảm thời gian bay được lâu.
Rẻ hơn nhiều so với mô hình nhập ngoại
Theo PGS-TS Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ TPHCM, đây là một đề tài khó và với những gì đạt được, tác giả đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Hiện nay, kết quả nghiên cứu đã được chuyển về cho đơn vị chủ trì là Trung tâm Thiết kế chế tạo thiết bị mới Neptech để tiếp tục hoàn thiện thêm. Kỹ sư Lê Công Danh cho biết: “Hướng phát triển sắp tới là sẽ viết lại chương trình cho hệ thống cảm biến hoạt động hiệu quả hơn, giúp máy bay xác định phương hướng, vị trí một cách chính xác hơn. Ngoài ra, sẽ nâng cao dung lượng pin để mô hình có thời gian hoạt động lâu hơn, chuẩn hóa thiết kế cơ khí và hệ điều khiển để tiến hành sản xuất thử vào năm 2010”.
Theo kỹ sư Lê Công Danh, nếu được sản xuất đại trà, mỗi mô hình sẽ có giá bán 600 USD, rẻ hơn rất nhiều so với giá 5.000 USD/mô hình tương tự của hãng Microdrone. Mô hình này có thể được ứng dụng vào việc mang theo camera để quan sát từ trên cao đối với các mục tiêu di động – khắc phục được nhược điểm của camera gắn cố định, sử dụng để chụp ảnh từ trên cao tại các khu vực nguy hiểm tới sức khỏe con người, những nơi con người khó tiếp cận...
 Theo: nld.online