Tuyến Vũ Hán - Quảng Châu Công trình tiêu biểu của ĐS thế giới

Ngày 28/04/2011
Gần một năm chạy tàu thực nghiệm, tuyến ĐS dành riêng chạy tàu khách dài 1.068km Vũ Hán - Quảng Châu, chứng tỏ Trung Quốc đang dẫn đầu trong lĩnh vực cao tốc.
Gần một năm chạy tàu thực nghiệm, tuyến ĐS dành riêng chạy tàu khách dài 1.068km Vũ Hán - Quảng Châu, chứng tỏ Trung Quốc đang dẫn đầu trong lĩnh vực cao tốc.
Yêu cầu cấp thiết về năng lực
Tuyến truyền thống Bắc Kinh - Quảng Châu là một trong những tuyến bận rộn nhất thế giới. Năm 2002, đoạn Vũ Hán - Quảng Châu đã chuyên chở 27 triệu hành khách và 42,1 triệu tấn hàng hóa trên mỗi hướng. Mặc dù đã có nhiều biện pháp để nâng cao năng lực nhưng vẫn không giải quyết được mâu thuẫn giữa yêu cầu và năng lực, tuyến đường đã trở thành điểm thắt cổ chai trên mạng vận tải bận rộn của Trung Quốc.
Tuyến Vũ Hán - Quảng Châu chạy qua các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam và Quảng Đông, phục vụ khu vực thành phố Vũ Hán, cụm thành phố Trường Sa - Chu Châu - Tương Đàm và đồng bằng sông Châu Giang là các khu vực đang phát triển kinh tế mạnh.
Theo dự báo phát triển, hành lang cần đảm bảo chuyên chở 60 triệu hành khách/năm vào năm 2020 và 75,5 triệu hành khách/năm vào năm 2030 trên mỗi hướng.
Phương án lựa chọn bao gồm làm đường đôi tuyến hiện có và xây dựng một tuyến cao tốc mới. Nghiên cứu cho thấy là một tuyến cao tốc kết hợp với đoạn Vũ Hán - Quảng Châu hiện có trên tuyến Bắc Kinh - Quảng Châu sẽ tạo ra sự liên kết về năng lực, chất lượng và hiệu quả cao nhất, như vậy hành khách và hàng hóa có thể lưu chuyển điều hòa thông qua ba tỉnh, thuận lợi cho việc đi lại vùng dân cư đông đúc và phát triển công nghiệp và đô thị. Do đó chính quyền đã quyết định xúc tiến xây dựng một tuyến cao tốc, bắt đầu từ năm 2005.
Chỉ 4 năm sau, ngày 10-6-2009 bắt đầu chạy thử nghiệm và ngày 26-12-2009 chính thức mở khai thác với tổng chi phí 130 tỷ NDT.
Đường không ba lát
Trước khi tiến hành công việc, người ta đã so sánh chi tiết về chi phí giữa đường có ba lát và các loại đường không ba lát. Người ta đã tiến hành so sánh thử nghiệm với tốc độ 350 km/h trên bốn loại đường trên tấm bản bê tông, trong đó có đoạn có cả ghi. Từ kết quả thử nghiệm, người ta đã chọn hệ thống CRTS hai khối cho hầu hết các đoạn đường. Đường không ba lát được sử dụng cả cho ghi trên cầu và đường đón gửi tàu.
Sử dụng rộng rãi đoạn ray cố định 100 m, hàn liền tại chỗ thành những đoạn dài 500 m, cùng với ghi số 18 thiết kế cho tàu 350km/h. Nhờ phương pháp chế tạo tiên tiến, phương pháp điều chỉnh chính xác nên dung sai cự ly, thủy bình, phương hướng, cao thấp chỉ từ 1 đến 2 mm.
Một hệ thống treo dây trời tiếp điện đàn hồi đã được triển khai sử dụng cho tàu 350 km/h. Dây tiếp điện bằng hợp kim đồng magnesium với lực căng 30kN, công nghệ lực căng cố định lần đầu tiên được áp dụng, cho phép những đôi tàu EMU đa nguyên có thể được tiếp điện từ hai cần tiếp điện với tốc độ 350 km/h. Tại Ga Vũ Hán, dây trời còn được treo với khẩu độ 90 m.
Đầu máy toa xe
Tàu CRH2C và CRH3C là hai loại tàu 350 km/h sử dụng trên tuyến đường. Sau một năm vận hành, với một số thay đổi về kỹ thuật, cả hai loại tàu này đều vận hành an toàn, tạo cho hành khách những chuyến đi hết sức tiện nghi và thoải mái.
Về điều hành chạy tàu, lần đầu tiên trên thế giới, tàu cao tốc được trang bị hệ thống điều hành CTCS3 cho phép tàu có thể chạy liên tục 350 km/h trên 1.000 km.
Bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường là một bộ phận trong chính sách của nhà nước và tuyến Vũ Hán - Quảng Châu cũng là đối tượng được xem xét hết sức khắt khe về ảnh hưởng môi trường. Giữa yêu cầu về kỹ thuật và xây dựng với bảo vệ môi trường đều được cân nhắc hết sức thận trọng.
"Xanh hóa" các ta luy nền đắp và nền đào, đồng thời chú trọng tới cảnh quan các cửa hầm và các công trình khác. Cầu được sử dụng rộng rãi để giảm chiếm dụng đất và giảm ảnh hưởng đến cây trồng. Tránh để ĐS chia cắt thành phố và làng xóm.
Nhiều biện pháp đã được thực hiện để giảm độ rung, trong đó có việc sử dụng ray nặng và dầm hộp trên cầu. Để hạn chế truyền lực rung xuống khu vực xung quanh, giữa mỗi cấu kiện của đường đều đặt các tấm đỡ đàn hồi. Đầu máy toa xe loại nhẹ với hệ thống treo hoàn hảo đã giảm được lực động xuống đường.
Hàng rào chống ồn được đặt hai bên đường và ray hàn liền tiếp đất đảm bảo mức ồn trong giới hạn cho phép. Sử dụng sức kéo điện nên không có khí thải. Chất thải toilet được kiểm soát bằng hệ thống chân không tránh không xả chất thải ra ngoài.
Tổ chức chạy tàu : 80 chuyến tàu/hướng/ngày, 115.000 hành khách/ngày
Hiện nay, mỗi ngày có 80 chuyến tàu trên mỗi hướng, trong đó 52 chuyến chạy suốt tuyến từ Vũ Hán đến Quảng Châu, 28 chuyến chạy giữa Trường Sa và Quảng Châu, sử dụng 48 đoàn tàu EMU đơn.
Chạy không dừng đỗ giữa Vũ Hán và Quảng Châu từ 11 giờ rút xuống còn 3 giờ. Vào thời kỳ bận rộn nhất, mỗi ngày chuyên chở được 115.000 hành khách và có ngày đã lên tới 128.000 hành khách. Hành khách có thể sử dụng hệ thống bán vé và kiểm tra tự động, đồng thời các hệ thống thông tin tĩnh và động đều sẵn sàng phục vụ hành khách.
Các ga dọc tuyến thực sự trở thành những trung tâm vận tải, tàu cao tốc, tàu đô thị, tàu đường dài cùng sử dụng chung công trình và tiện nghi của nhà ga cùng với xe buýt, xe taxi và metro.
Các nhà ga đều thể hiện những nét đặc trưng văn hóa địa phương trong khi vẫn áp dụng các kỹ thuật kiến trúc tiên tiến, như sử dụng chiếu sáng bằng ánh sáng thiên nhiên, sử dụng các tấm pin mặt trời để cung cấp điện năng...
Khi tuyến mới được đưa vào khai thác, đường chạy tàu đoạn Vũ Hán - Quảng Châu trên tuyến Bắc Kinh - Quảng Châu đã được giải phóng, cho phép chạy thêm 33 đôi tàu hàng/ngày, đưa năng lực tuyến đường lên 87,6 triệu tấn/năm.
Ngày nay chỉ còn 3 giờ để đi lại giữa hai thành phố quan trọng nhất Trung Quốc. Hành khách có thể thưởng thức cá Vũ Trường ở Vũ Hán vào buổi sáng và uống nước sông Châu Giang vào buổi trưa.
KO (theo báo ĐS)