Mô hình hầm chứa ô tô tự động

Ngày 26/03/2009
Các nhà khoa học của Viện Điện - Điện tử - Tin học (EEI) đã giới thiệu mô hình hầm chứa ô tô tự động 7 tầng trong lòng đất với những chức năng thông minh.
Các nhà khoa học của Viện Điện - Điện tử - Tin học (EEI) đã giới thiệu mô hình hầm chứa ô tô tự động 7 tầng trong lòng đất với những chức năng thông minh.

Theo phương pháp thủ công hiện nay, để thực hiện mỗi thao tác nhận hoặc trả xe phải tốn ít nhất từ 15 - 30 phút, đó là chưa kể sự hao tổn về sức người và diện tích mặt bằng. Với mô hình hầm để ô tô tự động này, chủ xe chỉ cần nhấn biến số xe, hệ thống điện tự động sẽ tự chọn vị trí trống để đưa xe vào và ghi nhớ lại. Khi chủ xe muốn lấy xe chỉ cần nhấn số xe qua bảng điện tử trên mặt đất, chỉ khoảng 2 phút sau xe sẽ được đưa lên khỏi mặt đất. Tất cả các buồng chứa xe đều được xây bằng bê-tông cốt thép, với 7 tầng hầm trong lòng đất có thể chứa gần 100 xe (trọng lượng mỗi tầng chứa khoảng 20 tấn). Tất cả hoạt động trên nguyên lý tự động hóa, kết cấu hầm phải đảm bảo an toàn, có dàn cơ điện nâng, hạ, dịch chuyển xe khi nhận xe từ tầng 1 xuống, đưa xe ra hành lang giữa và đưa từ hành lang giữa vào các buồng chứa xe.
 
TS Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng EEI, cho biết: Mô hình là sự kết hợp của nhiều công nghệ như tự động hóa, tin học, phần mềm điều khiển, hệ thống thiết bị cơ - điện - điện tử để thực thi các mệnh lệnh điều khiển. Nhờ vậy, hệ thống khi thực thi mới đảm bảo được tính chính xác các yêu cầu gửi và nhận xe, nhận thức được hiện trạng của hầm để sắp xếp hợp lý vị trí để xe, ghi nhớ vị trí và mã hiệu các xe được gửi để có thể lấy ra chính xác khi cần thiết, độ chính xác khi điều khiển để tránh va chạm làm hư hỏng xe, đảm bảo an ninh để không mất cắp, không nhầm lẫn. TS Phúc cũng nói thêm, thực hiện mô hình này, các nhà khoa học đã gặp rất nhiều khó khăn từ phần mềm tự động hóa. Bởi khi nhấn số xe, hệ thống tự động phải tự tìm chỗ trống trong 7 tầng hầm để đưa xe vào buồng chứa xe. Trong khi đối với thang máy chỉ có một thang, người đi thang máy tự nhấn nút lên và xuống tầng nào, rất đơn giản. Còn hầm chứa xe phải tự động chọn gần 100 vị trí với nhiều chuyển động: Đưa xuống, lên, chạy dọc, ngang, chọn vị trí, đến đúng vị trí lấy xe từ buồng chứa đưa ra hành lang giữa, từ hành lang giữa ra thang máy...
 
Để ứng dụng được vào thực tế cần phải có 2 phần việc khác nhau về kỹ thuật và công nghệ: Công trình xây dựng và tự động hóa. Trong đó, kỹ thuật xây dựng ngầm hiện cũng còn nhiều khó khăn. Cái khó nằm ở những khía cạnh như địa chất công trình tại nơi xây dựng hầm ngầm, bài toán kinh tế như chi phí đầu tư, phí tổn vận hành, giá dịch vụ giữ xe, lợi nhuận... Tuy nhiên, điều khó nhất để áp dụng mô hình vào thực tế chính là chưa có sự thông suốt về mặt quản lý của địa phương nơi xây dựng hầm ngầm. Trong khi đó, hiện nay nhu cầu đậu xe tại khu vực trung tâm Tp. Hồ Chí Minh vào khoảng 7.000 xe/ngày đêm. Các bãi xe đang tồn tại không đủ đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng. Trong đề án Quy hoạch giao thông Tp. Hồ Chí Minh nêu rõ, diện tích dành cho 33 bến bãi tất cả các loại xe buýt, xe khách, xe tải, taxi, ô tô khác chiếm khoảng 34 ha (gần 0,1% diện tích nội thành). Tới năm 2020, chỉ tiêu thành phố nhắm tới phải có trên 100 bến bãi đậu xe với diện tích 469 ha (chiếm 1% đất đô thị). “Nếu áp dụng và nhân rộng thành công mô hình này, chúng ta có thể giải quyết được vấn đề mặt bằng đậu xe không chỉ tại Tp. Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều thành phố lớn khác trong cả nước”, TS Phúc khẳng định.
TN