Quảng Trị: Tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông học đường

Ngày 11/11/2014
Công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức trong học sinh các cấp, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) trong trường học.

Công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức trong học sinh các cấp, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) trong trường học.

Xác định việc tuyên truyền giáo dục học sinh về ATGT có ý nghĩa hết sức quan trọng, ngay từ đầu năm 2014, Bộ GD&ĐT đã có Kế hoạch số 19/KH-BGDĐT về việc thực hiện công tác giáo dục ATGT trong trường học năm 2014 với mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp của ngành Giáo dục được giao tại Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ.

Quảng Trị: Tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông học đường

Liên đội Trường Tiểu học Sông Hiếu tham gia bảo vệ an toàn đường sắt

Nhằm góp phần kiềm chế, tiến tới đẩy lùi TNGT, những năm qua, ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để thiết lập kỷ cương, trật tự ATGT cho học sinh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền đã được ngành giáo dục và nhiều trường học trong toàn tỉnh triển khai một cách sâu rộng, với hình thức và nội dung ngày càng phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Tại các cổng trường đã bố trí pa nô, áp phích, biển báo giao thông ở những vị trí thích hợp, tác động tích cực đến trực quan của phụ huynh, học sinh; các trường đã tổ chức sinh hoạt ngoại khoá về tình hình an ninh trật tự, ATGT; phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn học sinh các biện pháp đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Các buổi tuyên truyền được tổ chức lồng ghép với các buổi chào cờ đầu tuần với những hình thức hấp dẫn như: Hái hoa dân chủ, tìm hiểu về ý nghĩa các biển báo giao thông, xử lý những tình huống giao thông... để thu hút học sinh tham gia. Đặc biệt, tại một số trường THPT, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” đã được BCH Đoàn trường thực hiện một cách hiệu quả thông qua việc thành lập đội thanh niên xung kích trực, kiểm soát trước và sau các buổi học, nhắc nhở, xử lý những học sinh vi phạm nội quy nhà trường và Luật Giao thông đường bộ. Vì vậy, ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông của học sinh ngày càng được nâng lên, góp phần bảo đảm ATGT trên các tuyến đường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc chấp hành Luật Giao thông của học sinh trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Tình trạng học sinh đi xe đạp hàng ba, hàng bốn, vừa đi vừa đùa nghịch, trêu chọc nhau, nghe nhạc, nghe điện thoại, vượt đèn đỏ... tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT. Đó là chưa kể đến việc sử dụng xe đạp điện khá phổ biến trong học sinh như hiện nay mà không đội mũ bảo hiểm, gây mất ATGT.

Đáng sợ nhất là tình trạng học sinh THCS, THPT không chỉ điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, rú ga, nẹt bô mà còn có những hành vi phản ứng, chống đối gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ… gây bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, một số phụ huynh và người tham gia giao thông cũng rất thiếu ý thức trong việc chấp hành các quy định về ATGT như đứng đón con tràn lề đường, tắc đường thì cứ cố len lên vỉa hè, đi ngược đường... ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề ATGT.

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Quảng Trị, 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã xảy ra 124 vụ, làm chết 69 người, bị thương 134 người. So với cùng kỳ năm 2013, số vụ giảm 30 vụ TNGT (-19,5%); số người chết giảm 3 người (-4,2%); số người bị thương giảm 9 người (-6,3%). Điều này cho thấy tuy mức độ về TNGT đã giảm nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp khiến công tác đảm bảo trật tự ATGT nói chung và ATGT học đường nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Để tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trong học sinh trong năm học 2014-2015, các đơn vị giáo dục cần tăng cường vai trò tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, bởi đây là môi trường rất thuận lợi để học sinh có thể thu nhận những kiến thức cần thiết về pháp luật nói chung và vấn đề ATGT nói riêng. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành, nêu rõ tác hại của việc không chấp hành Luật Giao thông, đưa những hình ảnh trực quan sinh động về các vụ tai nạn, hậu quả của TNGT, cùng những hệ lụy đau lòng để lại; phối hợp với các ban, ngành liên quan của địa phương xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” và tăng cường tổ chức các buổi phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật về ATGT, nội dung tập trung vào các lỗi vi phạm thường gặp khi tham gia giao thông; nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông; các kỹ năng tham gia giao thông an toàn nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của học sinh, phụ huynh, nhà trường, đồng thời các trường học cần có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với học sinh vi phạm.

Bên cạnh đó, về phía gia đình, phụ huynh phải là tấm gương về việc chấp hành luật lệ giao thông để cho con cái noi theo. Đồng thời, tuỳ thuộc vào độ tuổi của con em, cần có những hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục những tác hại, hậu quả của việc vi phạm ATGT, nhất là không giao xe máy cho con khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội mũ bảo hiểm cho con em mình khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy nhằm giúp các em nâng cao nhận thức và hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông. Đặc biệt, các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những học sinh vi phạm Luật Giao thông. Điều này thể hiện tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh.

Nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông trong học sinh không chỉ góp phần làm giảm thiểu TNGT, mà quan trọng hơn là giáo dục ý thức pháp luật cho thế hệ tương lai.

Nguồn: baoquangtri.vn