Khai mạc Hội nghị lần thứ 20 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP20)

Ngày 02/12/2014
Hội nghị lần thứ 20 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP20) và Hội nghị lần thứ 10 các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP10) đã khai mạc ngày 01 tháng 12 năm 2014, tại Lima, Peru.

Hội nghị lần thứ 20 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP20) và Hội nghị lần thứ 10 các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP10) đã khai mạc ngày 01 tháng 12 năm 2014, tại Lima, Peru. Tham dự phiên khai mạc có Chủ tịch COP19, Chủ tịch COP20, Tổng thư ký Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, Thị trưởng thành phố Lima, Tổng thư ký của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và hàng nghìn đại biểu đến từ 197 nước tham gia và quan sát viên của UNFCCC.

Trong hai tuần, từ ngày 01 đến ngày 12 tháng 12, đại diện của các quốc gia sẽ thảo luận những vấn đề thuộc khuôn khổ Công ước khí hậu, Nghị định thư Kyoto, trong đó nổi bật là các nội dung của Nhóm Công tác Định hướng Durban (ADP) nhằm: (1) xây dựng Thỏa thuận quốc tế 2015 áp dụng cho tất cả các Bên và (2) tăng cường kỳ vọng thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho giai đoạn trước năm 2015. Đồng thời trong khuôn khổ Hội nghị còn có các cuộc họp lần thứ 41 của Ban Bổ trợ thực hiện (SBI), Ban Bổ trợ về Khoa học và Công nghệ (SBSTA) và Đối thoại cấp Bộ trưởng về Tài chính và ADP.

Hội nghị COP20 và CMP10 năm nay diễn ra trong bối cảnh Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) vừa công bố Báo cáo tổng hợp dành cho các nhà hoạch định chính sách từ Báo cáo đánh giá lần thứ 5 (ar5), Quỹ Khí hậu xanh nhận được cam kết đóng góp khoảng 9,7 tỷ USD. Quan trọng hơn nữa là sự kiện Hoa Kỳ và Trung Quốc ra Tuyên bố chung về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn sau 2020; EU nêu cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2020-2030 và các nước ASEAN vừa ký tuyên bố chung ASEAN-Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu.

Đây có thể nói là những diễn biến quan trọng đối với tiến trình đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu, khi thời điểm 2015 (để thông qua thỏa thuận quốc tế mới) đang đến gần.

Những nội dung quan trọng sẽ được các Bên tập trung thảo luận bao gồm các nhóm công việc của Nhóm công tác ADP (Nhóm công việc 1: xây dựng Thỏa thuận 2015 và Nhóm công việc 2: Tăng cường kỳ vọng giảm phát thải giai đoạn trước 2020); vấn đề cam kết giảm phát thải khí nhà kính của các nước phát triển cho thời kỳ cam kết lần thứ hai của Nghị định thư Kyoto; các vấn đề tài chính theo Công ước và Nghị định thư, Cơ chế Tổn thất và thiệt hại; quy trình đánh giá đa phương theo SBI, các kế hoạch thích ứng quốc gia (NAPs) và đánh giá giai đoạn 2013-2015.

Về ADP

Liên quan đến các Nhóm công việc thuộc ADP, các Bên sẽ tập trung làm rõ các nội dung của dự thảo Thỏa thuận 2015; tiếp tục xác định các thông tin sẽ được các Bên đưa vào Báo cáo Dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) trong bối cảnh ra đời Thỏa thuận 2015; thống nhất thực hiện các quyết định trong Kế hoạch hành động Bali và tăng cường kỳ vọng cho giai đoạn trước 2020.

Để phục vụ cho các Bên tham gia đàm phán theo Nhóm công tác ADP, đồng Trưởng nhóm công tác đã chuẩn bị (1) tài liệu về các nội dung sẽ được đưa vào Thỏa thuận 2015 và (2) dự thảo quyết định của COP về ADP.

Tại COP20, các Bên sẽ thảo luận việc áp dụng nguyên tắc "trách nhiệm chung nhưng có phân biệt (CBDR) như thế nào Thỏa thuận 2015. Điều 3.1 của Công ước khí hậu ghi rõ "Các Bên cần phải bảo vệ hệ thống khí hậu vì lợi ích của các thế hệ loài người hiện tại và tương lai trên cơ sở bình đẳng, phù hợp với trách nhiệm chung nhưng có phân biệt và khả năng của quốc gia (CBDR-RC)". Với việc đưa ra khái niệm CBDR-RC thay đổi theo thời gian, dự kiến Hội nghị COP20/CMP 10 sẽ tạo ra những tranh luận căng thẳng giữa các Bên.

Thông tin về nội dung của Báo cáo Dự kiến đóng góp do quốc gia xác định (INDC) cũng sẽ là một dung được các Bên thảo luận nhiều và hi vọng đạt được thống nhất tại Hội nghị này nhằm đóng góp cho Thoả thuận 2015. Các nước phát triển và các quốc gia đảo nhỏ cho rằng INDC chỉ nên tập trung vào giảm nhẹ, trong khi các nước đang phát triển khác yêu cầu phải có sự cân bằng giữa giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với thích ứng và phương thức thực hiện. Đồng thời các bên cũng sẽ thảo luận để hướng tới thống nhất phương thức để thực hiện đầy đủ các quyết định của COP về Kế hoạch hành động Bali.

Về sửa đổi Doha

Tai Hội nghị COP18/CMP8 tại Doha cách đây hai năm, các Bên thống nhất rằng trong thời kỳ cam kết lần thứ hai của Nghị định thư Kyoto (từ năm 2013 đến năm 2020), các nước thuộc Phụ lục I (các nước phát triển) phải cam kết lại cắt giảm phát thải khí nhà kính muộn nhất là vào năm 2014, để tăng kỳ vọng giảm phát thải. Tuy nhiên, cho đến nay, trong số 19 nước phê chuẩn, mới chỉ có Na Uy và Công quốc Monaco là những nước thuộc Phụ lục I phê chuẩn Sửa đổi Doha. Để Sửa đổi Doha có hiệu lực đòi hỏi phải có trên 144 nước phê chuẩn.

Tại Hội nghị CMP10, các Bên sẽ xem xét báo cáo kết quả Hội nghị bàn tròn cấp Bộ trưởng về tăng cường kỳ vọng cho các cam kết thuộc Nghị định thư Kyoto (diễn ra tháng 6 năm 2014, tại Bonn, CHLB Đức). Với những diễn biến hiện nay, mức độ cam kết của các nước thuộc Phụ lục I còn khá thấp. Do đó, đây cũng sẽ được coi là một nội dung quan trọng tại COP20/CMP10 lần này.

Về các vấn đề tài chính theo Công ước và Nghị định thư

Một trong những nội dung về tài chính được Hội nghị biến đổi khí hậu ở Lima thảo luận, đặc biệt sau khi khoản cam kết đóng góp 9,7 tỷ USD cho GCF giai đoạn 2015-2018 được công bố.     

Hội nghị lần này cũng sẽ có những hướng dẫn đối với GCF cũng như Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), hiện tại GEF là một trong những cơ quan thực hiện cơ chế tài chính theo Công ước.

Các vấn đề tài chính khác sẽ được thảo luận bao gồm tài chính dài hạn, báo cáo Ủy ban Tài chính bao gồm đề xuất liên quan đến việc đánh giá 2 năm một lần với các dòng tài chính khí hậu, vấn đề đo đạc, báo cáo và thẩm định đối với các khoản hỗ trợ, cũng như báo cáo lần thứ 5 về Cơ chế tài chính. Trong đó, báo cáo lần thứ 5 được đánh giá rất quan trọng với việc cung cấp thông tin về toàn bộ cấu trúc tài chính cho biến đổi khí hậu theo Công ước và Nghị định thư Kyoto, cũng như đánh giá hoạt động của các cơ quan như GEF và GCF.

Trong khi đó, Hội nghị CMP sẽ thảo luận hướng dẫn đối với  Quỹ Thích ứng và xem xét báo cáo lần thứ hai của Quỹ này.

Cơ chế Tổn thất và thiệt hại

Cơ chế Tổn thất và thiệt hại được thành lập tại Hội nghị COP19 ở Warsaw, Ba Lan, năm 2013. Đây được coi là một kết quả khá quan trọng của Hội nghị COP19 cùng với việc thành lập Ủy ban điều hành Cơ chế (EXCOM). Hội nghị COP20 sẽ tập trung thảo luận các hoạt động của Cơ chế và các hoạt động của EXCOM.

Các Ban Bổ trợ sẽ xem xét kế hoạch hoạt động 2 năm do EXCOM xây dựng, vấn đề tổ chức và cơ chế hoạt động của EXCOM.

Kế hoạch thích ứng quốc gia

Một trong những nội dung chính sẽ được thảo luận ở Lima là Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP), đặc biệt sau khi đã có cam kết đóng góp nguồn lực cho GCF. Tuy nhiên, vấn đề mà phía các nước đang phát triển quan tâm là GCF sẽ hỗ trợ như thế nào cho việc xây dựng và thực hiện NAP ở các nước đang phát triển.

Quy trình đánh giá đa phương theo SBI

Tại Lima, quy trình đánh giá quốc tế (IAR) đối với các nước phát triển sẽ được thiết lập, nhằm tăng cường việc đối chiếu nỗ lực của các nước phát triển trong các mục tiêu cắt giảm và hạn chế phát thải khí nhà kính trong toàn bộ nền kinh tế. IAR được các Bên thống nhất tại Hội nghị COP16 ở Cancun, Mexico, năm 2010.

Trong IAR, đánh giá đa phương (MA) đối với các nước phát triển là một phần quan trọng, bên cạnh việc đánh giá kỹ thuật với báo cáo 2 năm một lần của các nước phát triển.

Vòng đánh giá đa phương đầu tiên sẽ bắt đầu từ ngày 06 đến ngày 08 tháng 12, nhằm đánh giá 17 nước phát triển, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Thụy Sỹ và New Zealand.

Báo cáo đánh giá 2013-2015

Tại Lima, các Bên sẽ tiến hành đánh giá giai đoạn 2013-2015. Đây là hoạt động đánh giá định kỳ đối với mục tiêu toàn cầu dài hạn và tiến độ chung để đạt được mục tiêu đó. Để hỗ trợ cho quá trình này, tại Doha, các Bên đã thống nhất thành lập Đối thoại chuyên gia (SED) nhằm hỗ trợ cho các nhóm liên hệ chung của SBSTA và SBI.

 Năm nay, SDE sẽ họp hai phiên vào các ngày 02 và 03 tháng 12 năm 2014 để xem xét Báo cáo tổng hợp lần thứ 5 của IPCC và đánh giá mục tiêu toàn cầu dài hạn.

Kết quả các cuộc họp của SED và kết quả đánh giá sẽ được thông báo tại các cuộc thảo luận về mục tiêu toàn cầu dài hạn hiện đang được thực hiện theo ADP.

Hoạt động của Đoàn Việt Nam

Đoàn công tác của Việt Nam dự COP20/CMP10 tại Lima bao gồm các cán bộ và các chuyên gia của các Bộ: Ngoại giao, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tài nguyên và môi trường sẽ tham gia quá trình đàm phán tại các Hội nghị COP20 và CMP10, các phiên họp của Nhóm công tác ADP, các Ban Bổ trợ. Tại Cuộc họp lần này, Việt Nam sẽ đệ trình Báo cáo cập nhật 2 năm một lần lần thứ nhất của Việt Nam (BUR1) cho Ban Thư ký Công ước. Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển đầu tiên trên thế giới đệ trình BUR1. Việt Nam sẽ tổ chức một sự kiện bên lề về Các hành động giảm nhẹ phù hợp điều kiện quốc gia NAMA vào ngày 5/12. Ngày 3/12 sẽ có báo cáo về thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho BUR1 và chuẩn bị hình thành hệ thống kiểm kê khí nhà kính tạ Việt Nam. Các cán bộ của Việt Nam sẽ tham dự các Hội thảo, các cuộc họp bên lề liên quan đến các chủ đề của COP2/CMP10, các hoạt động trong khuôn khổ ASEAN và hợp tác với Nhật Bản như: Hội thảo bên lề về giảm phát thải khí nhà kính tại thành phố Hồ Chí Minh và Viên Chăn; tăng cường năng lực cho các nước ASEAN; xây dựng lộ trình tiến tới một châu Á ít phát thải; tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN ứng phó với biến đổi khí hậu…

Dự kiến, Trưởng đoàn Việt Nam sẽ có bài phát biểu tại Phiên cấp cao của Hội nghị năm nay dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 09 đến ngày 11 tháng 12 năm 2014. Trong thời gian dự COP20/CMP10, Trưởng đoàn Việt Nam cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với các đối tác quan trọng như Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đoàn công tác của Việt Nam tham dự COP20