Mặc dù các nhà khoa học trong nước và thế giới cảnh báo ô nhiễm tiếng ồn làm tăng huyết áp, gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể và suy nhược thần kinh. Việt Nam đã quy định cường độ âm thanh tối đa cho phép ở trong các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa trong khoảng thời gian từ 6h đến 21h lần lượt là 55dB, từ 21h đến 6h là 45dB. Thực tế chưa bao giờ người dân biết thực hư tiếng ồn họ đang phải chịu là bao nhiêu, ai là cơ quan có thể xử phạt những cơ sở gây ô nhiễm tiếng ồn này.
Chỉ cảm nhận rõ ràng tiếng ồn đang ảnh hưởng xấu đến độ tập trung của học sinh ở nhà và ở trường học, khi 7 giờ sáng và 4 rưỡi chiều hàng ngày, loa phường tại HN có thể tùy ý phát những bài hát và thông tin ồn ã, phá vỡ cân bằng tự nhiên. Ngay cả tiếng chim hót bị tiếng ồn lấn át cũng khiến loài chim khó tìm đến với nhau, huống chi con người bị làm ồn hàng ngày vào những giờ cố định, khó có thể nói họ thư thái được?
Ngoài tiếng ồn xe cộ đường bộ, tàu hỏa, máy bay các khu công nghiệp cũng góp phần vào ô nhiễm tiếng ồn. Cơ quan môi trường và y tế cần liên kết nghiên cứu ô nhiễm tiếng ồn có liên quan đến bao nhiêu ca tử vong sớm ở ta mỗi năm. Làm tăng bao nhiêu ca huyết áp xuất phát từ tiếng ồn, thậm chí bao nhiêu người trầm cảm, tìm đến cái chết, do họ không kiểm soát được tiếng ồn, nếu ở gần đường xe lửa chẳng hạn.
Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, tác hại của tiếng ồn chưa được đánh giá đúng. Viện phí tăng và năng suất lao động giảm do chịu ô nhiễm tiếng ồn ở mức độ cao phải được nghiên cứu thấu đáo, để người dân không chết oan, mất tiền oan vì hội chứng tiếng ồn.