Phê duyệt Đề án tái cơ cấu lĩnh vực đường bộ giai đoạn đến năm 2020

Ngày 30/12/2014
Ngày 29/12, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 4993/QĐ-BGTVT "Phê duyệt Đề án tái cơ cấu lĩnh vực đường bộ giai đoạn đến năm 2020".

Theo đó, quan điểm của Đề án là tái cơ cấu lĩnh vực đường bộ kết hợp với tái cơ cấu các lĩnh vực khác để tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, làm cơ sở cơ cấu lại các phương thức vận tải. Tập trung đầu tư các công trình giao thông đường bộ trọng điểm bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối giao thông cửa ngõ, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn bằng hệ thống giao thông, đồng bộ, hiện đại; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến các vùng miền, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo; Phát triển vận tải đường bộ theo hướng chú trọng khai thác lợi thế của đường bộ theo vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên; kết nối, chia sẻ hợp lý với các phương thức vận tải khác; nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn vận tải đường bộ tạo nên thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và cạnh tranh; Gắn nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải đường bộ với tái cơ cấu ngành, lĩnh vực nhằm tăng năng lực của cả hệ thống làm cơ sở cơ cấu lại thị phần vận tải (công cộng, tư nhân) trong lĩnh vực đường bộ; Quản lý, phát triển lĩnh vực đường bộ theo cơ chế thị trường có định hướng của Nhà nước; Kết hợp hài hòa giữa mục tiêu quan trọng, cấp bách với các mục tiêu cơ bản, dài hạn theo hướng phát triển bền vững; coi trọng khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có, kết hợp đầu tư mới để nâng cao hiệu quả và tỉết kiệm nguồn lực; gắn phát triển giao thông đường bộ với đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ.

Theo hiện quan điểm trên, Đề án đã đề ra một số giải pháp và cơ chế chính sách chủ yếu như: Đối mới thể chế chính sách và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển lĩnh vực đường bộ; Nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư; Khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách; Khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; Tiếp tục đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp trong lĩnh vực đường bộ; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế; Phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Cũng theo Quyết định này, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT và các Bộ, ngành, liên quan và các địa phương triển khai Đề án; Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về quản lý, phát triển lĩnh vực đường bộ; Chỉ đạo các đơn vị tham mưu, các Cục Quản lý đường bộ, các Chi cục quản lý đường bộ, các Ban Quản lý dự án và các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch triền khai chi tiết các nội dung của Đề án.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chi tiết xem tại đây.

DT