Năm 2014, Cảng hàng không Vinh đã đón 1,25 triệu hành khách, tốc độ tăng trưởng những năm qua từ 15 - 30%/năm và là cảng hàng không có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Cảng hiện có các đường bay khứ hồi Vinh - Sài Gòn, Vinh - Hà Nội, Vinh - Buôn Ma Thuật , Vinh - Đà Nẵng, Vinh - Đà Lạt… và đường bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn với tần suất hoạt động 26 chuyến/ngày, do các hãng hàng không: Vienam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Vietjet Air khai thác.
Trong những năm gần đây, nhu cầu đi lại của người dân Nghệ An và các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ cũng như hành khách từ ngoại tỉnh, khách nước ngoài đi lại bằng máy bay thông qua Cảng hàng không Vinh là rất lớn. Những lúc cao điểm phải tiếp nhận đồng thời 3 chuyến bay A 320, tương đương phục vụ khoảng 600 - 800 hành khách/giờ cao điểm. Trước sự quá tải như vậy, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đã đầu tư hơn 750 tỷ đồng để triển khai dự án xây dựng Cảng hàng không Vinh. Dự án được chia thành 3 công trình chính là Nhà ga hành khách, đường tầng, sân đỗ ô tô và mở rộng sân đỗ máy bay. Trong đó, Nhà ga hành khách là điểm nhấn của Cảng hàng không Vinh, bởi công trình này được thiết kế, xây dựng trên ý tưởng mô phỏng hình tượng đóa hoa sen.
Đại diện đơn vị tư vấn (Liên doanh CPG - ADCC - PAE) cho hay, mục tiêu của dự án là xây dựng công trình này trở thành công trình biểu tượng của TP. Vinh, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình xây dựng Nhà ga hành khách được thiết kế dạng 2 cao trình (bao gồm đường tầng) với tổng diện tích sàn là 11.706 m2 có thể đón được 2- 4 triệu hành khách/năm và phòng chờ được bố trí 4 chuyến bay cao điểm với số lượng hành khách lên đến 1.500 người và 2 băng chuyền hành lý đến bảo đảm tiếp nhận 4 chuyến đến trong giờ cao điểm. Công suất khi khai thác thực tế có thể đạt 3 - 4 triệu hành khách/năm.
Công trình Cảng hàng không Vinh khởi công ngày 26/4/2013 và do các liên doanh nhà thầu Công ty TNHH xây dựng Lưu Nguyễn - Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Hòa Bình - Công ty CP cơ khí TM Đại Dũng - Công CP cửa sổ nhựa châu Âu và Công ty TNHH Lộc Phúc đảm nhận thi công phần xây dựng. Việc thi công phần M&E và hệ thống kỹ thuật hàng không do liên doanh Công ty TNHH XD VIC - Công ty TNHH Kiến trúc HAAI thực hiện. Ông Bùi Văn Thắng - Tổ trưởng Tổ giám sát - Ban Quản lý Dự án Cảng hàng không Vinh cho biết: “Đến thời điểm này, các hạng mục thi công của công trình Nhà ga hành khách đã cơ bản hoàn thành và công trình đường tầng và sân đỗ ô tô (đường tầng dài 279 m, rộng 9 - 14,5 m đáp ứng từ 2-3 làn xe ô tô, hệ thống giao thông có diện tích 19.450 m2) và công trình mở rộng sân đỗ máy bay (có diện tích xây dựng là 44.000 m2, bảo đảm 6 vị trí đỗ cho máy bay ATR 72, A321 do Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 thi công) đã cơ bản hoàn thành và đang tiến hành chạy thử để 31/1/2015 khánh thành”…
Sau khi hoàn thành dự án đầu tư Cảng hàng không Vinh, thì năng lực của Sân bay Vinh có thể đáp ứng nhu cầu nâng cấp, mở thêm nhiều tuyến bay nội địa mới và các tuyến bay quốc tế. Bên cạnh việc đáp ứng về nhu cầu vận chuyển hành khách, Cảng hàng không Vinh còn mang tầm vóc của một công trình hàng không quốc gia và quốc tế. Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Để được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, nâng cấp Cảng hàng không Vinh thành Cảng hàng không quốc tế, trong thời gian qua, UBND tỉnh, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Sở GTVT đã tập trung đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Vinh đạt cấp dịch vụ tiêu chuẩn mức C theo phân mức tiêu chuẩn phục vụ hành khách của IATA. Để Cảng hàng không Vinh đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đi lại của hành khách, trong thời gian tới sẽ đầu tư thêm đường băng mới cho máy bay Boeing, Airbus”.
Vươn tầm lên Cảng hàng không quốc tế - vị thế mới ấy của Cảng hàng không Vinh không chỉ góp phần thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Nghệ An, mà còn kết nối, phát triển mạnh mẽ ngành Du lịch; đồng thời là điểm nhấn quan trọng để Nghệ An cất cánh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh./.