Xã hội hóa đầu tư tuyến đường thủy Việt Trì - Lào Cai

Ngày 05/03/2015
Chiều 5/3, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan về Kế hoạch xã hội hóa tuyến đường thủy Việt Trì - Lào Cai (Dự án giao thông thủy xuyên Á đoạn Việt Trì - Lào Cai) kết hợp với thủy điện trên sông Hồng theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh).

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng giao thông thuỷ (TEDI WECCO) cho biết, mục tiêu của Dự án tạo ra tuyến vận tải thủy thuận lợi nối liền các đô thị lớn và nông thôn, giữa đồng bằng - miền núi và ven biển theo quy hoạch của ngành; xây dựng hệ thống cảng thủy nội địa dọc tuyến để tạo hiệu quả đầu tư đồng bộ giữa luồng - cảng - đội tàu vận tải; bên cạnh đó xây dựng thủy điện, tạo điều kiện phát triển dân sinh, kinh tế, du lịch, thủy lợi, thủy sản vùng Trung du miền núi phía Bắc; đồng thời kết hợp bảo vệ chống xói lở đường bộ, đường sắt ven sông.

Xã hội hóa đầu tư tuyến đường thủy Việt Trì - Lào Cai

Ông Hoàng Đức Hùng, Phó giám đốc TEDI WECCO báo cáo tại cuộc họp

Theo ông Hoàng Đức Hùng, do Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội rất lớn, nhiều ngành liên quan được hưởng lợi, nhưng hiệu quả kinh tế tài chính của Dự án không cao, thời gian thu hồi vốn chậm, tiềm ẩn rủi do tài chính nên cần được hỗ trợ chính sách đặc thù cho Dự án, trong đó đầu tư xây dựng theo hình thức BOO, được sử dụng 85% vốn vay ưu đãi của Chính phủ; ưu tiên giá bán điện cho công trình; được miễn thuế sử dụng đất; được tổ chức nạo vét luồng tàu kết hợp tận thu sản phầm và giá thu phí có thể được điều chỉnh theo thời gian.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Minh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cho biết, Dự án giao thông thủy xuyên Á đoạn Việt Trì - Lào Cai kết hợp với thủy điện phù hợp với quy hoạch của ngành đường thủy nội địa. Đây là một dự án lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương và có tác động tích cực trên diện rộng. Tuy nhiên, theo ông Toàn, mấu chốt quan trọng cần nghiên cứu đó là luồng tuyến, để đảm bảo cho phương tiện vận tải hoạt động tốt hơn, sau đó nghiên cứu đến các vấn đề khác như độ dài đường nước dâng trên đập, chiều cao nước dâng trên đập, kết cấu đập tràn - âu tàu, bố trí tuyến công trình đầu mối…

Xã hội hóa đầu tư tuyến đường thủy Việt Trì - Lào Cai

Tổng thể công trình đầu mối giao thông, Thủy điện Mậu A, Lâm Giang, Yên Bái (Âu 2 cấp - 1 tuyến)

Hoan nghênh và đánh giá cao Chủ đầu tư dự án (Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình - Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành) đã quan tâm đầu tư xã hội hóa tuyến đường thủy Việt Trì - Lào Cai, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể đồng ý giao Chủ đầu tư dự án, đơn vị Tư vấn tiếp tục nghiên cứu để sớm triển khai dự án.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Chủ đầu tư, đơn vị Tư vấn nghiên cứu, đề xuất xây dựng các đập dâng nước, âu tàu hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động giao thông thủy thông suốt quanh năm, đồng thời rà soát hệ thống các cầu từ Việt Trì - Lào Cai, xác định lại hệ thống cảng và đánh giá tác động xã hội của dự án.

Về giá thu phí, Thứ trưởng đồng ý điều chỉnh theo thời gian (3 năm thay đổi 1 lần), để vừa kích thích nhu cầu vận tải thủy vừa đảm bảo hài hòa các lợi ích của chủ hàng, đơn vị vận tải và có thể hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng (đoạn Việt Trì - Lào Cai) kết hợp với thủy điện thuộc địa phận các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, TP Hà Nội. Dự án thuộc công trình đường thủy cấp III, quy mô đầu tư luồng tàu kỹ thuật cấp III, đội tàu vận tải tự hành 400 tấn, sà lan 600 tấn; 5 cảng hàng hóa gồm Apatít, Quý Xa (Lào Cai); Văn Phú (Yên Bái); Ngọc Tháp, Cổ Tiết (Phú Thọ); 2 cảng cạn là cảng phía Bắc (TP Hà Nội) và cảng Phố Mới (Lào Cai).

Đây là công trình đầu mối giao thông - thủy điện - thủy lợi, với 3 công trình Mậu A, Lâm Giang, Bảo Châu gồm đập dâng nước (đập trụ đỡ bê tông cót thép có cửa van thoát lũ); âu tầu bê tông cốt thép 1 cấp, 1 - 2 tuyến, cửa âu 2 cánh chữ nhân; Nhà máy thủy điện lòng sông (công suất 36 MW - 155 triệu Kwh).

Dự án được nghiên cứu đầu tư theo hình thức Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO) với tổng mức đầu tư hơn 15.700.000 triệu đồng, gồm 4 Tiểu dự án, dự kiến đầu tư trong 6 năm do Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình (Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành) làm Chủ đầu tư, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng giao thông thủy (Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT) làm đơn vị Tư vấn.

Xuân Nguyên