Tập trung hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam năm 2005

Ngày 09/03/2015
Ngày 9/3, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp nghe báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý tại cuộc họp thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam.

Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Kim Hồng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Thứ trưởng Nguyễn Văn Công; Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội Ngô Trung Thành; lãnh đạo, chuyên viên các cơ quan chức năng thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ GTVT.

Bộ Luật HHVN năm 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 14/6/2005 và Chủ tịch nước công bố theo Lệnh số 13/2005/L-CTN ngày 27/6/2005. Bộ Luật HHVN 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã thực sự khẳng định được vai trò là văn bản pháp lý trung tâm của hệ thống pháp luật hàng hải, là cơ sở pháp lý điều chỉnh hệ thống quản lý hoạt động hàng hải, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế quốc dân và ngành hàng hải, đồng thời giữ vai trò quan trọng trọng việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hàng hải ở nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hội nhập kinh tế thế giới. Đặc biệt, việc áp dụng Bộ luật HHVN 2005 đã có tác động tích cực trong việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về hàng hải, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế hàng hải phát triển.

Mặc dù Bộ Luật HHVN 2005 đã được soạn thảo công phu nhưng trong quá trình tổ chức thự hiện Bộ Luật vẫn còn nhiều điều, khoản mang tính chất khung và cần phải có các văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể, chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 48/NQ-TW của Bộ Chính trị khi xác định hạn chế việc sử dụng các văn bản dưới Luật để triển khai Luật vào thực tiễn. Hơn nữa, hiện nay đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có quy định mới liên quan đến quản lý hoạt động hàng hải nên cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật HHVN cho phù hợp, thống nhất.

Dự thảo Luật lần này đã sửa đổi, bổ sung 58/261 điều của Bộ Luật HHVN năm 2005 liên quan đến các nội dung như quy định đặc thù riêng cho tàu lặn; quy định cụ thể cho kho chứa nổi, giàn di động; quy định về: quyền vận tải nội địa, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, tàu biển, đóng mới, sửa chữa và phá dỡ tàu biển, thuyền bộ, cảng biển, hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, lai dắt tàu biển, trục vớt tài sản chìm đắm, hợp đồng bảo hiểm hàng hải.

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thị Hằng Nga đã báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý tại phiên họp thẩm tra vào ngày 5/3/2015 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam nhằm làm rõ các nội dung như phạm vi điều chỉnh, một số khái niệm chuyên ngành hàng hải; quyền vận tải nội địa; cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải; thanh tra hàng hải; đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và phá dỡ tàu biển; đăng kiểm tàu biển; quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển; tổ chức và hoạt động của cảng vụ hàng hải…

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Ban Soạn thảo tiếp thu tối đa, giải trình cụ thể tất cả những ý kiến của thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nêu; đồng thời yêu cầu Ban Soạn thảo phải bổ sung thêm một số vấn đề về quan điểm và chính sách phát triển hàng hải mang tính chất mạnh mẽ, đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng; làm lại báo cáo tổng kết đánh giá thực tế về những tồn tại, bất cập trong việc thực hiện chính sách biển, những vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi và cần thiết để đưa vào Luật sửa đổi; dự báo được những vấn đề trong thời gian sắp tới, từ đó đưa ra được chính sách đột phát để phát triển bao gồm chính sách phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải hàng hải, logicstic; chính sách về chính quyền cảng, cụ thể hóa một số chính sách mang tính đột phá về phát triển hàng hải như đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển, phát triển đội tàu và vận tải biển; quy định về giá, phí trong lĩnh vực hàng hải; vấn đề ụ nổi…; bên cạnh đó tiếp thu từ Dự thảo Luật Hàng không mới được thông qua để đưa vào Luật sửa đổi; tập trung chỉnh lý kịp thời Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật HHVN năm 2005.

Ngoài ra, Ban soạn thảo khẩn trương phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện nội dung tờ trình và báo cáo thẩm định để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội vào tháng 4 tới đây.

VH