Tổng công ty Đường sắt cần thay đổi tư duy về kinh doanh

Ngày 12/03/2015
Chiều 12/3, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì cuộc họp với Tổng công ty Đường sắt về Đề án tổ chức quản lý, khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt.

Nhà ga đường sắt sẽ được giao cho các công ty vận tải đường sắt trực tiếp sử dụng, khai thác, kinh doanh.

Theo Đề án, nhiệm vụ tổ chức quản lý, khai thác, kinh doanh và bảo trì KCHT đường sắt gồm Quản lý vốn, đất đai, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, bảo vệ công trình. Lập hồ sơ quản lý công trình đường sắt (cầu, cống, hầm, đường, hệ thống công trình kè, kiến trúc, hệ thống thông tin, tín hiệu, hành lang an toàn giao thồng đường sắt). Cung cấp thông tin kinh tế-kỹ thuật liên quan đến kết cấu hạ tầng đường sắt theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động đường sắt. Quản lý chỉ đạo công tác đảm bảo ATGT đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt; Điều hành GTVT đường sắt tập trung thống nhất; tuân thủ biểu đồ chạy tàu đã công bố, quy trình quy phạm chạy tàu và năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt; Cung ứng dịch vụ phục vụ GTVT đường sắt và các dịch vụ khác trên cơ sở khai thác năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt do doanh nghiệp quản lý. Thực hiện công tác bảo trì sửa chữa kết cấu hạ tầng theo hợp đồng đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích hàng năm.

Để thực hiện những nhiệm vụ trên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất mô hình tổ chức Công ty mẹ - công ty con. Theo đó, công ty mẹ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, là công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo, chi phối các doanh nghiệp thành viên trong Tổng công ty. Tổ chức cơ cấu bộ máy của Công ty mẹ bao gồm: Hội đồng thành viên; Tổng Giám đốc; Các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng; Bộ máy tham mưu, giúp việc. Các đơn vị hạch toán phụ thuộc. Các doanh nghiệp thành viên là các công ty côn của Tổng công ty sẽ cổ phần hóa và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là kinh doanh vận tải đường sắt và sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

Ngoài ra Đề án cũng đã đề nghị sửa đổi một số cơ chế chính sách cũng như đưa ra các giaroi pháp về khai thác kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt...

Tại cuộc họp, đại diện các Vụ tham mưu, Cục Đường sắt Việt Nam cũng đã đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm rõ hơn về nội dung kinh doanh cũng như cụ thể hóa các kiến nghị về thể chế chính sách mà Tổng công ty kiến nghị.

Phát biểu kết luận cuộc họp Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, mặc dù Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tích cực sửa đổi hoàn thiện Đề án nhưng Tổng công ty vẫn còn lúng túng và chưa đi thẳng được vào vấn đề Tổng công ty là một doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh trên hạ tầng đường sắt hiện có mà nhà nước giao Tổng công ty quản lý.

"Đó là do Tổng công ty ĐSVN chưa thực sự xem mình là một doanh nghiệp mà vẫn còn tư tưởng là một Tổng cục", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Do vậy, Ban soạn thảo Đề án và Hội đồng thành viên Tổng công ty cần xem xét kỹ Đề án, đề ra chiến lược kinh doanh rõ ràng để duy trì và phát triển thương hiệu của Tổng công ty.

"Ngoài ra, Đề án phải tập trung làm rõ vấn đề kinh doanh và kinh doanh có lãi hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, cũng như rà soát, phân bổ phạm vi công việc của các đơn vị trực thuộc, đơn vị thành viên, đề xuất các cơ chế chính sách đồng thời giải trình tốt các đề xuất đó để nhà nước ban hành các chính sách giúp Tổng công ty có thể hoạt động kinh doanh tốt", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu học tập mô hình tổ chức kinh doanh của một đơn vị trong ngành là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam trong hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng giao thông.

DT