Tái cơ cấu vận tải đường bộ giai đoạn đến năm 2020

Ngày 16/03/2015
Chiều 16/3, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan về Đề án tái cơ cấu vận tải đường bộ giai đoạn đến năm 2020.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Đề án tái cơ cấu vận tải đường bộ giai đoạn đến năm 2020 Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã dự thảo và đã trình lên Bộ GTVT để lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã tiếp thu, giải trình và phối hợp với Vụ Vận tải của Bộ để hoàn thiện dự thảo quyết định phê duyệt Đề án.

Về nội dung cụ thể của Đề án, ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, mục tiêu tái cơ cấu vận tải đường bộ giai đoạn đến năm 2020 nhằm phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, giảm thị phần đảm nhận của vận tải hàng hóa bằng đường bộ; nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải; đảm bảo phát triển hài hòa và kết nối hiệu quả các phương thức vận tải.

Tái cơ cấu vận tải đường bộ giai đoạn đến năm 2020

Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam)
báo cáo tóm tắt nội dung Đề án tái cơ cấu vận tải đường bộ tại cuộc họp


Phấn đấu đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa đường bộ chiếm thị phần khoảng 60 - 65%, vận tải hành khách đường bộ chiếm thị phần khoảng 90 - 93% so với khối lượng vận tải toàn ngành; giảm tỷ trọng chi phí vận tải đường bộ từ 3 - 5% trong cơ cấu chi phí logistics; nâng tỷ lệ xe chạy có hàng hai chiều từ 60 - 70%; hàng năm giảm từ 5 - 10% số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương do phương tiện kinh doanh vận tải gây ra.

Về giải pháp tái cơ cấu lĩnh vực vận tải đường bộ, Đề án tập trung vào 7 nhóm giải pháp. Trong đó, đổi mới thể chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển ngành và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả và phát triển hài hòa các phương thức vận tải, phát triển vận tải đa phương thức và logistics; bên cạnh đó khuyến khích, thu hút đầy tư ngoài ngân sách; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế; đồng thời phát triển nguồn nhân lực và tăng tường công tác thanh tra, kiểm tra.

Tái cơ cấu vận tải đường bộ giai đoạn đến năm 2020

Đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa đường bộ
chiếm thị phần khoảng 60 - 65%. (Ảnh minh họa
)

Đánh giá cao sự cố gắng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh việc lập Đề án tái cơ cấu vận tải đường bộ để tổ chức thực hiện đề án cho giai đoạn tiếp theo, hoạt động vận tải đi vào nề nếp, phát triển bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường; đặc biệt, Đề án hiện nay đã được Bộ GTVT giao nghiên cứu cả 5 phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không và hàng hải).

Thứ trưởng yêu cầu Vụ Vận tải cùng Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp các phương thức vận tải, thống nhất về số liệu; làm rõ sự cần thiết xây dựng Đề án, cũng như nghiên cứu kỹ thực trạng, quy hoạch, chất lượng dịch vụ trong hoạt động vận tải, tính kết nối, nguồn nhân lực, hoạt động doanh nghiệp vận tải, thanh tra, kiểm tra xử lý…

Thứ trưởng cũng nêu lên một số nguyên nhân còn thiếu, yếu trong công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành; hạ tầng kết nối kém; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm.

Về giải pháp, Thứ trưởng yêu cầu ngoài những giải pháp đã, đang thực hiện, Đề án lần này tập trung vào các giải pháp mới, chủ yếu về vận tải, đổi mới thể chế chính sách, quy hoạch, tăng cường kết nối, phát triển hài hòa các phương thức vận tải, phát triển vận tải đa phương thức, tăng tường công tác thanh tra, kiểm tra…

Về tiến độ, Thứ trưởng yêu cầu Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp Viện Chiến lược và phát triển GTVT và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh Đề án trong tháng 4/2015, trình Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt để triển khai các bước tiếp theo. 

Xuân Nguyên