Phải xác định an toàn giao thông đường sắt là trọng tâm trong chỉ đạo

Ngày 18/03/2015
Sáng 18/3, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì cuộc họp về công tác tăng cường kiểm soát, xử lý đường ngang và cứu hộ, cứu nạn đường sắt. Cùng dự có đại diễn các Vụ tham mưu, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), Tổng công ty ĐSVN.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu kết luận cuộc họp.

Theo báo cáo của Tổng công ty ĐSVN, trên toàn mạng ĐSVN hiện có 1.516 vị trí đường ngang hợp pháp, bình quân gần 2 km đường sắt chính tuyến có 1 đường ngang, trong đó 651 đường ngang có người gác; 310 đường ngang có cảnh báo tự động, 555 đường ngang cấp 3 có biển báo. Ngoài ra hiện còn tồn tại 4.268 đường ngang dân sinh. Trang thiết bị tại các đường ngang có gác lạc hậu, phòng vệ đường ngang chủ yếu dùng nhân công. Do kinh phí hạn hẹp nên việc đầu tư các đường ngang có lắp thiết bị tự động đóng chắn và cảnh báo tự động là rất hạn chế. Nhiều đường ngang khi mới thành lập thì đủ tiêu chuẩn không phải tổ chức người gác, nhưng hiện nay thì quá tải, không đáp ứng được yêu cầu lưu thông của các phương tiện trên đường bộ.

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN báo cáo công tác ATGT ĐS

Đối với tình hình tai nạn, sự cố tại các đường ngang, báo cáo cho biết, năm 2014 tai nạn giao thông đường sắt đã xảy ra 388 vụ, trong đó, do khách quan xảy ra 362; làm chết 161 người; bị thương 256 người. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến hầu hết các vụ tại nạn giao thông đường sắt (TNGTĐS) là do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi đi qua đường ngang như: không chú ý quan sát biển báo, tín hiệu tại đường ngang, tín hiệu của nhân viên gác chắn. Không làm chủ được tốc độ đâm vào tàu khi tàu đang chạy qua đường ngang hoặc cố tình vượt qua đường ngang khi thiết bị tín hiệu cảnh báo tự động đã báo hiệu có tàu sắp đến hoặc không chú ý quan sát tàu hỏa trước khi vượt qua đường ngang (đối với đường ngang không có người gác chắn). Ngoài ra, tai nạn xảy ra tại các đường ngang còn do một sô nguyên nhân khác như: tầm nhìn của cả hai phía đường sắt và đường bộ tại khu vực đường ngang bị hạn chế; bề mặt đường bộ đoạn qua đường ngang không êm thuận; đường ngang thiếu biển báo, vạch chỉ dẫn, gờ giảm tốc; đường ngang vi phạm các quy định về an toàn như góc giao cắt giữa đường sắt và đường bộ quá nhỏ, độ đốc đoạn đường bộ trước khi vào đường ngang quá lớn...

Trước tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông tại các vị trí đường ngang, gây thiệt hại nhiều về người và tài sản, Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN đã chỉ thị các Công ty Quản lý Đường sắt phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc tổng kiểm tra, rà soát và sửa chữa nâng cấp toàn bộ hệ thống mặt lát đường ngang, bổ sung các thiết bị đảm bảo an toàn, cọc mốc, biển báo, đóng lối đi dân sinh...phối hợp với các địa phương thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua với Bộ GTVT trong việc đảm bảo TTATGT tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, nhằm giảm thiểu tai nạn trên đường ngang.


Người tham gia giao thông cố vượt đường ngang bất chấp cảnh báo của nhân viên ĐS khi tàu đang chạy tới.

Cũng theo báo cáo của Tổng công ty ĐSVN, về công tác cứu hộ, cứu nạn, hiện tại Trung tâm Ứng phó sự cố thiện tai và cứu nạn ĐSVN, các Trung tâm khu vực bao gồm 26 người có trụ sở đóng tại 3 khu vực (Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, có 08 đội đóng quân tại các tuyến ĐS) với nhiệm vụ chính là tham mưu và chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố thiên tai trong toàn ngành. Ngoài ra, lực lượng cứu hộ bán chuyên trách ở cơ sở hiện tập trung ở các Công ty vận tải đường sắt với 28 tổ cứu hộ đóng tại các khu vực trên các tuyến ĐS, 02 tổ cứu hộ cơ động đóng tại Hà Nội và Vinh, 08 tổ cứu hộ cơ giới đóng tại các ga: Hà Nội, Yên Bái, Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng, Nha Trang, Sóng Thần, Xí nghiệp Đầu máy Yên Viên, 03 tổ cầu đường bộ đóng tại ga Giáp Bát, Yên Viên, Lào Cai. Tuy nhiên, các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn hiện đã sử dụng thời gian dài, một số phương tiện, máy móc chuyên dùng vừa thiếu, vừa lạc hậu dẫn đến hư hỏng và xuống cấp nhanh, không đáp ứng được yêu cầu thực tế tại hiện trường. Hay xảy ra sự cố khi tham gia cứu hộ cứu nạn nên gây khó khăn cho công tác triển khai cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố, tai nạn xảy ra.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về công tác triển khai bảo vệ kết cấu hạ tầng, đảm bảo ATGT và công tác cứu hộ cứu nạn đường sắt, các giải pháp ưu tiên để làm việc với các địa phương trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt, đường ngang, cũng như làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, kiện toàn tổ chức của các đơn vị trong thực hiện các công tác này.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng ATGT đường sắt và ATGT tại các đường ngang, công tác cứu hộ cứu nạn trong các hoạt động giao thông đường sắt thời gian qua đã có một số mặt tích cực. Công tác ATGT đường sắt đã được quan tâm chỉ đạo thường xuyên liên tục từ tất cả các cấp và được các địa phương vào cuộc cùng thực hiện. Các đơn vị trong Ngành GTVT đã thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia về đảm bảo ATGT tại các đường ngang. Do vậy, trong những năm vừa qua tai nạn giao thông đường sắt đều giảm cả trên 3 tiêu chí. Tuy nhiên, tai nạn giao thông đường sắt và công tác quản lý đường ngang vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, do vậy công tác này vẫn phải được thực hiện và xử lý quyết liệt, triệt để. Công tác cứu hộ, cứu nạn mặc dù đã được tổ chức kiện toàn và được xem như là một chuyển dịch lớn trong công tác này, tuy nhiên mô hình hoạt động vẫn còn chưa hoàn thiện, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn đường sắt, tính chuyên nghiệp, công tác tập huấn nghiêp vụ, diễn tập, phối hợp với các bộ phận cứu hộ cứu nạn khác còn nhiều hạn chế.
Thời gian tới Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu các đơn vị phải xác định ATGT đường sắt là trọng tâm trong chỉ đạo, từ đó các cơ quan liên quan phải thực hiện hết chức trách của mình, chủ động trong tham mưu, thực hiện nhiệm vụ này, phân công, phận nhiệm rõ ràng. Triển khai thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của cấp trên, đồng thời làm việc với các địa phương để xác định các yêu cầu mới trình cơ quan cấp trên ban hành, sửa đổi văn bản. Tổng công ty ĐSVN rà soát chi tiết vấn đề đường ngang dân sinh, đường ngang liên thôn liên xã và xác định các địa phương ưu tiên để Bộ làm việc và báo cáo trước 31/3 để Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông lập kế hoạch làm việc từ tháng 4/2015.
Đối với công tác cứu hộ, cứu nạn đường sắt, Thứ trưởng yêu cầu Tổng công ty ĐSVN tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động công tác này cũng như hoàn thiện các quy định về công tác cứu hộ hộ cứu nạn.

AC