Mọi văn bản QPPL phải bám vào mục tiêu, nhiệm vụ của Ngành

Ngày 30/03/2015
Chiều nay (30/3), Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì buổi họp của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT rà soát, đánh giá tình hình xây dựng văn bản QPPL cũng như việc xây dựng và phê duyệt các đề án, chiến lược trong tháng 3 và Quý I/2015, đồng thời chỉ đạo nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.

Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng

đang nghe các báo cáo tại cuộc họp Ban Cán sự đảng Bộ GTVT

Báo cáo tại buổi làm việc về tình hình xây dựng Văn bản QPPL tháng 3, Quý I/2015 và kế hoạch tháng 4 năm 2015 của Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, Quý I/2015, các cơ quan đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo và chủ trì tham mưu trình văn bản QPPL đã hoàn thành theo đúng kế hoạch được giao, về cơ bản đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2015, Bộ phải trình Chính phủ 01 dự thảo Nghị định; cơ quan soạn thảo phải trình Bộ 05 dự thảo nghị định và 06 đề cương nghị định, 01 dự thảo đề cương Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. “Tính đến 27/3, các cơ quan đơn vị đã trình Bộ theo đúng kế hoạch 13/13 văn bản. Các cơ quan soạn thảo cũng đã trình Bộ trưởng ký ban hành 5/5 văn bản, đạt 100% kế hoạch”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga cho biết.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng cho biết trong tháng 4, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải theo đúng tinh thần của Hiến pháp, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; tiếp tục triển khai xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi).

“Trong tháng 4, các cơ quan đơn vị phải hoàn thành việc xây dựng 34 văn bản”, bà Trịnh Thị Hằng Nga nhấn mạnh.

Về công tác xây dựng và phê duyệt các đề án chiến lược, quy hoạch, đề án khác tháng 3 và Quý I/2015,  Phó Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Thị Kiều Nguyệt cho biết, trong Quý I, có 2 Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Đề án Điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt VN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án Quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không vinh thành Cảng hàng không quốc tế giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn sau 2030.

Theo chương trình công tác, Quý I/2015, các cơ quan chủ trì đã trình Bộ trưởng phê duyệt 4/4 Đề án, đạt 100% kế hoạch. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cũng đã trình 3/3 đề án cơ quan soạn thảo phải trình Bộ.

Phó Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Thị Kiều Nguyệt cũng cho biết trong Quý II/2015, Bộ phải trình Thủ tướng Chính phủ 01 Đề án; các cơ quan phải trình Bộ trưởng phê duyệt 7 đề án…

Tại cuộc họp, đồng chí Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng yêu cầu các đồng chí thành viên Ban Cán sự và đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành của Bộ GTVT đã tập trung thảo luận, có ý kiến vào nhiều các Đề án cũng như các Văn bản QPPL thuộc các lĩnh vực của Ngành, phải trả lời được các câu hỏi các thông tư, nghị định ban hành đã đảm bảo chất lượng, tiến độ theo đúng các quy định của pháp luật hay chưa, tính khả thi của các văn bản này đến đâu? Các cơ quan xây dựng văn bản đã chú trọng đến tính khả thi của văn bản hay chưa? Các văn bản đã thực sự đúng với tinh thần tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà Bộ GTVT đang hướng tới hay chưa?...

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá cao các đ/c Thứ trưởng cũng như các cơ quan đơn vị chủ trì, xây dựng văn bản QPPL trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, phải coi đây là nhiệm vụ số 1 mà chúng ta phải làm.

“ Đặc biệt, khi xây dựng văn bản QPPL cần lưu ý chất lượng văn bản QPPL phải đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống và đáp ứng được dư luận xã hội. Những vấn đề nhạy cảm, vấn đề lớn phải có lộ trình xây dựng và thực hiện tuần tự; phải làm tốt công việc chuẩn bị dư luận và nâng cao công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục, thực hiện pháp luật cũng như triển khai các đề án, các Văn bản QPPL”, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu từ tháng 6/2015 phải có báo cáo tình hình triển khai thực hiện các Đề án, các thông tư, nghị định. Song song với đó, các cơ quan liên quan phải phố hợp tốt với các cơ quan của Chính phủ về những văn bản đã trình lên nhưng chưa được phê duyệt, vướng cái gì phải có giải trình để làm lại, thúc đẩy nhanh, hoàn thiện văn bản, đề án.

Đồng chí Bí thư Ban Cán sự cũng yêu cầu đồng chí phụ trách lĩnh vực rà soát lại Dự thảo Bộ luật Hàng hải sửa đổi, sớm trình theo đúng lịch, đảm bảo yêu cầu về chất lượng; Việc sửa đổi Nghị định 107, 171 phải  cân đối, tính toán để đảm bảo tính khả thi (phù hợp quy định của Hiến pháp 2013, các bộ luật có liên quan, tính khả thi khi triển khai thực hiện)“Đối với công tác xây dựng văn bản QPPL, làm sao để thể hiện được trong tất cả các văn bản này tinh thần đổi mới quyết liệt của Ngành GTVT, theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013 cũng như công tác cải cách hành chính tại tất cả các cơ quan trong Ngành GTVT. Mọi văn bản QPPL phải bám vào các mục tiêu, nhiệm vụ chính mà toàn Ngành đã đặt ra. Mỗi văn bản QPPL ban hành phải có thời gian để tuyên truyền, phổ biến, vận động, tạo dư luận xã hội khi đưa vào thực hiện những điều khoản sửa đổi, hoặc các văn bản mới điều chỉnh hành vi nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất”, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu.

H.L