Dầu thải đe dọa vùng biển ven bờ Hải Phòng

Ngày 22/04/2015
Với 42 bến cảng và 4 khu chuyển tải, lưu lượng tàu thuyền ra vào đông đúc, Hải Phòng đang phải đối diện với tình trạng dầu thải gây ô nhiễm vùng biển ven bờ.

Nồng độ dầu trong nước vượt giới hạn cho phép 

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt dùng trong giao thông đường thủy và các mục đích khác, yêu cầu nước mặt lẫn dầu, mỡ cho phép chỉ là 0,3 mg/l.

Vừa qua, báo cáo của Sở TN&MT Hải Phòng cho thấy, hàm lượng dầu trong nước vùng bờ Hải Phòng hiện khá cao, trung bình 0,4 mg/l, dao động trong khoảng từ 0,1 - 1,1 mg/l.

Các khu vực có hàm lượng dầu cao là mặt nước khu vực cảng Hải Phòng có độ nhiễm dầu từ 0,3-0,6mg/l, vượt tiêu chuẩn cho phép. Vùng ven bờ quận Hải An, huyện Kiến Thụy, hàm lượng dầu trung bình khoảng 0,6mg/l. Khu vực cửa sông Bạch Đằng, kết quả khảo sát trong nhiều năm cho thấy nồng độ dầu có xu hướng tăng cao, đặc biệt khu vực trong sông, nơi gần bến cảng, nhất là khu vực Sở Dầu.

 

Tại khu vực Đồ Sơn, giai đoạn từ năm 2009-2012, nồng độ dầu mỡ luôn vượt giới hạn theo quy chuẩn ASEAN (0,16mg/l), thậm chí vượt giới hạn cho phép (theo quy chuẩn Việt Nam 08:2008/BTNMT) là 0,3 mg/l.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hoạt động của các loại tàu đánh bắt hải sản, tàu du lịch, tàu quân sự thường xuyên rửa tàu, xả thải dầu máy, nước dằn tàu, ra luồng tàu.

Tại 42 bến cảng và 4 khu chuyển tải, hầu hết loại tàu đều không có thiết bị thu gom và xử lý nước thải lẫn dầu, phần lớn xả trực tiếp nước thải lẫn dầu xuống biển.

Bên cạnh đó, nguồn phát thải dầu mỡ không được kiểm soát của các cơ sở sản xuất công nghiệp, cảng biển và dịch vụ dọc theo bờ biển cũng làm gia tăng đáng kể lượng dầu thải ra biển. 

Tăng cường xây dựng hệ thống pháp luật

Hoạt động bảo vệ môi trường biển và ven bờ còn khó khăn, bất cập, bởi tại các vùng nước cảng biển và vùng ven biển, chất thải từ hoạt động hàng hải, du lịch và từ đất liền chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hệ thống văn bản pháp luật còn thiếu các quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức người làm việc trên biển chưa thường xuyên và thiếu đồng bộ. Phần đông cộng đồng chưa có ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường ven biển, trong khi việc xử lý các hành vi vi phạm về xả dầu, đổ các loại chất thải trái phép chưa cụ thể và chế tài yếu.

Để siết chặt vấn đề quản lý xả thải trong hoạt động giao thông đường thủy nói chung và xả dầu thải nói riêng, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm xây dựng quy định bắt buộc về phòng chống ô nhiễm môi trường do dầu xả thải đối với các chủ cơ sở sản xuất ven bờ, chủ tàu thuyền. Đặc biệt cần lưu ý, đối với cơ sở sản xuất có chất thải lẫn dầu và các loại tàu thuyền bắt buộc phải có thiết bị xử lý bảo đảm nước thải ra môi trường đạt yêu cầu theo quy định, có đăng ký chủ nguồn thải mới được cấp phép hoạt động. Từ đó, hướng tới xây dựng quy chế, tiêu chuẩn để cấp chứng chỉ cho các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn doanh nghiệp sinh thái, con tàu sinh thái, góp phần xây dựng thành phố cảng xanh.

Nguồn: Bộ TN&MT