Bộ trưởng Đinh La Thăng tham dự Diễn đàn xúc tiến đầu tư GTVT Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 23/04/2015
Tiếp tục chuyến công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ, chiều 22/4 (giờ địa phương), Đặc phái viên Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã dẫn đầu đoàn công tác gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, nhiều cơ quan của Bộ GTVT tham dự Diễn đàn xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực GTVT Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ. Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Nguyễn Thế Cường tới dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn còn có đại diện của gần một trăm doanh nghiệp, tổ chức của Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến lĩnh vực GTVT và môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Bộ trưởng Đinh La Thăng tham dự Diễn đàn  xúc tiến đầu tư  trong lĩnh vực GTVT Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cùng Đại sứ VN tại Thổ Nhĩ Kỳ,
đại diện lãnh đạo Bộ GTVT và Hiệp hội các nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ cùng tham dự Diễn đàn.

Tạo hành lang pháp lý cho quan hệ kinh tế Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ

Mở đầu buổi Hội thảo tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực GTVT Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Nguyễn Thế Cường khẳng định, đây là một sự kiện quan trọng trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ. 

Đại sứ cho biết thêm, quan hệ ngoại giao Việt Nam -Thổ Nhĩ Kỳ chính thức bắt đầu năm 1978. Trong gần 40 năm qua,  hai nước có quan hệ chính trị tốt đẹp, thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo Chính phủ hai nước và sự hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Trong một vài năm gần đây, trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ với Việt Nam được đặt trong trọng tâm phát triển quan hệ sâu rộng hơn với các nước châu Á -Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Một điều đáng mừng là năm 2014, kênh gặp gỡ Lãnh đạo cấp Nhà nước Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ được hình thành (Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã gặp cựu Tổng thống  Abdullah Gül  bên lề Hội nghị thượng định hạt nhân tại Hà Lan; phía Chính phủ TNK đã nhiều lần mời Thủ tướng Việt Nam thăm bạn và đề nghị Thủ tướng Ahmet Davutoglu thăm Việt Nam dịp dự Hội nghị G20 tại Austalia và phía TNK bày tỏ hy vọng, Thủ tướng Davutoglu có thể thăm ta vào dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN 2015.  Dự kiến, Ngài  Phó Thủ tướng Bulent Arinc sẽ dẫn đầu đoàn kinh  tế  Thổ Nhĩ Kỳ  đến Việt Nam tiến hành vòng 7 Ủy ban kinh tế hỗn hợp hai nước (12-15/5/2015).

Về kinh tế, sau cuộc họp vòng 6 của Ủy ban Kinh tế thương mại hỗn hợp (tháng 1/2014 tại Ankara), số hiệp định kinh tế giữa hai nước tăng lên 02  Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Đinh La Thăng, hành lanh pháp lý cho quan hệ kinh tế hai nước lại được bồi đắp thêm với Hiệp định vận chuyển hàng không và Hiệp định vận tải hàng hải được ký kết.  Trước đó, hai nước đã ký tắt Hiệp định song phương về vận chuyển hàng không (17/3/2009) và khai trương đường bay TP HCM-Istanbul (30/12/2010).

Theo thống kê của TNK cho biết thương mại hai chiều đạt 2,2 tỷ năm 2014 (năm 2013, thương mại hai chiều 1,8 tỷ USD, ta xuất siêu 1,7 tỷ). Hai bên mong muốn năm 2016  quan hệ thương mại hai chiều đạt 3 tỷ USD. 

Thực tế cho thấy,  Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Âu-Tây Á với các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam  (giày dép, cao su, hạt điều, hàng dệt may, sản phẩm gỗ, chè, linh kiện điện tử...). Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu vải, tân dược, sắt thép, sợi dệt, hóa chất, phụ tùng linh kiện ô tô… Trong khi đó, đầu tư của TNK ở VN  ở mức rất khiêm tốn, không tương xứng với tiềm lực và khả năng của giới doanh nghiệp TNK và sự phát triển kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Đinh La Thăng tham dự Diễn đàn  xúc tiến đầu tư  trong lĩnh vực GTVT Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ

Toàn cảnh Diễn đàn xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực GTVT Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ

Hoan nghênh các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ tìm hiểu đầu tư vào các dự án GTVT

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Đinh La Thăng cảm ơn Đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hiệp hội Nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đã phối hợp với  Bộ GTVT Việt Nam tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực GTVT Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời hoan nghênh các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đã đến tham dự Hội nghị.

Thông báo về tình hình kinh tế trong nước, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, tình hình phát triển KT-XH Việt Nam năm 2014 cho thấy những dấu hiệu tích cực với mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 5,98%, cao hơn mức tăng của năm 2012 (5,25%) và mức tăng của năm 2013 (5,42%). Với đà phát triển kinh tế như hiện nay, dự kiến GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Đây là điều đáng mừng cho Việt Nam để đạt được mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Nhằm thực hiện thành công mục tiêu nêu trên, trong thời gian qua cùng với việc phát triển nguồn nhân lực và cải cách thế chế, phát triển kết cấu hạ tầng trong đó có kết cấu hạ tầng GTVT được Chính phủ Việt Nam xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng thông báo cụ thể cho phía Bạn biết Bộ GTVT Việt Nam là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư, phát triển và khai thác kết cấu hạ tầng GTVT trên cả 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, và đường thuỷ nội địa.

Bộ trưởng nói, dự kiến đến năm 2020, sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.000 km – 2.500 km đường cao tốc; Việt Nam cũng đang nghiên cứu các phương án khả thi xây dựng đường sắt tốc độ cao để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp; Về hàng không, hiện nay Việt Nam có 21 cảng hàng không đang được khai thác trong đó có 08 cảng hàng không quốc tế. Kế hoạch phát triển cảng hàng không, sân bay trong thời gian tới sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các sân bay quốc tế hiện có. Ngoài ra, hiện nay Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện Báo cáo lập dự án xây dựng mới cảng trung chuyển hàng không quốc tế Long Thành với công suất 100 triệu hành khách/năm ở khu vực phía Nam để trình Quốc hội cho ý kiến. ..

“Như vậy, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng trong tất cả các lĩnh vực của ngành GTVT giai đoạn từ nay đến năm 2020 của Việt Nam là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu phát triển này, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách trong đó tập trung vào việc đổi mới cơ chế, đa dạng hóa hình thức đầu tư (BOT, BT, PPP), chủ động tham gia thị trường vốn quốc tế, huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Lợi thế đem lại cho các doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam là môi trường đầu tư ưu đãi, cơ chế thuế ưu đãi, nguồn nhân lực phong phú, khung pháp lý đầy đủ, ổn định và minh bạch và ổn định về chính trị... Vừa qua, Việt Nam cũng đã sửa đổi nhiều bộ luật theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tư nhân hóa đầu tư, nghiên cứu ban hành chính sách về nhượng quyền khai thác các công trình giao thông, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển, khai thác các dự án kết cấu hạ tầng GTVT tại Việt Nam“, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng cũng nói thêm, chúng tôi được biết, các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ có năng lực, trình độ và rất nhiều kinh nghiệm trong thực hiện các dự án xây dựng công trình giao thông. Chúng tôi hoan nghênh và chào đón các bạn tìm hiểu đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng GTVT tại Việt Nam theo các hình thức như đầu tư trực tiếp, liên doanh, liên danh với các doanh nghiệp Việt Nam để tham gia đấu thầu thi công các dự án, đầu tư theo hình thức công – tư kết hợp, nhượng quyền khai thác...

Bộ trưởng Đinh La Thăng tham dự Diễn đàn  xúc tiến đầu tư  trong lĩnh vực GTVT Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ

Vụ trưởng, Trưởng ban PPP Nguyễn Danh Huy báo cáo tham luận
“Việt Nam – Cơ hội đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông”

Tại Diễn đàn, Vụ trưởng, Trưởng ban PPP Nguyễn Danh Huy cũng đã trình bày bài giới thiệu “Việt Nam – Cơ hội đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông” với các nội dung chính như: Vì sao nên đầu tư vào Việt Nam? Kết quả đầu tư tư nhân theo hình thức PPP đến năm 2014; Định hướng lĩnh vực kêu gọi đầu tư 2015-2020 của ngành GTVT và nhu cầu kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư giai đoạn 2015-2020 đồng thời đư danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư để chào đón các nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ như các dự án đường bộ: cao tốc Phan Thiết – Nha Trang; Dầu Giây – Liên Khương; Quảng Ngãi – Quy Nhơn; Biên Hòa – Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, ông Huy cũng giới thiệu với các nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ các dự án nhượng quyền khai thác như cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; cao tốc Nội Bài – Lào Cai; đường cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây …Các Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Tuyến đường sắt đôi khổ đoạn Hà Nội – Vinh và tuyến đường sắt đôi khổ đoạn Tp.HCM – Nha Trang...được phía các doanh nghiệp nhà đầu tư  Thổ Nhĩ Kỳ rất quan tâm, trao đổi và tìm kiếm thêm thông tin.

Cũng tại Diễn đàn, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, các cơ quan của Bộ GTVT như Cục Hàng không VN, Cục Hàng hải VN, SBIC, TCT Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, miền Nam; hãng hàng không Vietjet Air cũng đã đưa ra các đề nghị, mong muốn tìm kiếm đối tác trong phát triển các dịch vụ liên quan và chào đón các doanh nghiệp Thổ NHĩ Kỳ quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hàng hải, hàng không, công nghệ đóng mới, phá dỡ tàu cũ…

Nhật Lam
(Gửi từ Ankara, Thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ)