Ngành Hàng hải với sứ mệnh vươn lên vị trí kinh tế số 1

Ngày 09/05/2015
Sáng nay (9/5), Cục Hàng hải Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

Tới dự buổi lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, đại diện lãnh đại các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các vị khách quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba
cho CBVCLĐ Cục Hàng hải Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đinh La Thăng chúc mừng cán bộ, viên chức, lao động Cục Hàng hải Việt Nam, với những đóng góp, những thành tích to lớn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.

Bộ trưởng cho rằng, hơn bao giờ hết, ngành Hàng hải đang đứng trước những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Nghị quyết 09 năm 2007 của Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành TW Đảng đã đưa ra mục tiêu cụ thể “đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh từ biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá làm cho đất nước giàu mạnh”.

Theo Bộ trưởng, những nhiệm vụ nặng nề này đang đặt lên vai ngành Hàng hải một sứ mệnh cực kỳ to lớn, đặc biệt là từ sau năm 2020, khi kinh tế Hàng hải được đưa lên vị trí số 1 trong thứ tự phát triển các ngành kinh tế.

Bộ trưởng cũng cho rằng, cùng với nhiều thách thức, đây cũng là cơ hội ngàn năm có một để ngành Hàng hải gia tăng nguồn lực, tăng tốc hiện đại hoá cơ sở hạ tầng, xây dựng lực lượng vận tải hùng hậu, đủ sức vươn ra biển lớn. Để thực hiện chiến lược đó, ngành Hàng hải phải nỗ lực vượt bậc về mọi mặt, với một lộ trình rõ ràng và dứt khoát kèm theo quyết tâm, sự đồng lòng của toàn ngành”.

Trong thời gian trước mắt, Bộ trưởng đề nghị tập trung làm thật tốt những công việc cấp bách như: Sớm hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về Hàng hải; Đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng dự án Bộ Luật Hàng hải Việt Nam sửa đổi và hệ thống các văn bản dưới luật, nhằm triển khai ngay Bộ Luật này khi được Quốc hội thông qua.

"Các đồng chí phải nâng cao tinh thần chủ động trong đẩy mạnh cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT một cách thực chất và hiệu quả, coi công việc này vừa là nhu cầu thúc đẩy sản xuất và phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất, vừa là mục tiêu nhân văn trong triết lý phát triển.

Ngành Hàng hải cần tiếp tục triển khai quy hoạch và đầu từ phát triển hệ thống cảng biển để nhanh chóng nâng cao năng lực vận tải và dịch vụ hậu cần sau cảng, đảm bảo an ninh, an toàn Hàng hải, bảo vệ môi trường biển nhằm nâng cao vị thế và uy tín của Hàng  hải Việt Nam trên trường quốc tế"- Bộ trưởng yêu cầu.

Với nhận thức con người là nhân tố hàng đầu, Bộ trưởng mong ngành Hàng hải trong mọi hoàn cảnh và trong những điều kiện có thể cần tăng cường chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên, nhất là những đối tượng chính sách, những đối tượng lao động trong điều kiện nguy hiểm.

Đặc biệt cần chú trọng công việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ Hàng hải hàng đầu của thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành, cả hiện tại và trong tương lai.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao Huân chương Lao động hạng Nhất
cho 5 cá nhân có thành tích xuất sắc

Theo Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam Nguyễn Nhật, tròn nửa thế kỷ dũng cảm, sáng tạo, vượt khó, cán bộ, viên chức, lao động Cục Hàng hải Việt Nam đã có cống hiến lớn lao, góp phần đưa sự nghiệp thống nhất đất nước đến thắng lợi và là lực lượng quan trọng đảm bảo an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia, thúc đẩy công cuộc hiện đại hoá đất nước.

Cơ sở hạ tầng hàng hải đến nay tương đối được hoàn thiện với 44 cảng biển (219 bến cảng lớn nhỏ) và 42 tuyến luồng hàng hải, hàng năm đón nhận trên 120 nghìn lượt tàu biển ra vào, trong đó có những tàu lớn trên 100.000 tấn bốc xếp hàng hóa.

Đội tàu biển quốc gia phát triển với hơn 1.800 tàu hoạt động khắp nơi trên thế giới, đang được tái cơ cấu theo Quy hoạch vận tải biển đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ trưởng Đinh La Thăng trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Cục Hàng hải Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về tìm kiếm, cứu nạn trên biển từ năm 2007, hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam và lực lượng của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam hàng năm cứu và hỗ trợ hàng trăm vụ việc liên quan đến tai nạn, sự cố trên biển của tàu thuyền trong và ngoài nước, tạo ra môi trường hàng hải an toàn trên vùng biển trách nhiệm của Việt Nam.

Hàng hải cũng là ngành đi đầu cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Cục Hàng hải Việt Nam là đơn vị đầu tiên tham gia kết nối, giải quyết thủ tục hành chính qua Cổng thông tin điện tử Quốc gia, với toàn bộ 7 bộ thủ tục, gồm xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được giải quyết một cửa trực tuyến tại 5 khu vực cảng biển quốc tế lớn nhất nước gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, qua đó đã tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Với nỗ lực nhiều mặt, mặc dù kinh tế chung phục hồi chậm, song năm 2014, hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đã đạt 370 triệu tấn, tăng 14% so với năm 2013, đã đạt 90% quy hoạch đến năm 2015, trong đó hàng container đạt 10,3 triệu TEU (1 TEU tương đương 1 container 20 feet - PV), tăng 20,1%. Tổng sản lượng vận tải đội tàu Việt Nam đạt 98,5 triệu tấn./.

Nguồn: baogiaothong.vn