Khẩn trương hoàn thiện nội dung Quy hoạch chi tiết Cơ sở phá dỡ tàu

Ngày 20/05/2015
Ngày 20/5, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về Quy hoạch chi tiết Cơ sở phá dỡ tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Cùng dự họp có đại diện lãnh đạo các Vụ: Kế hoạch Đầu tư, Môi trường, Khoa học Công nghệ, Tài chính, Kết cấu hạ tầng giao thông, Hợp tác quốc tế, Pháp chế, Quản lý doanh nghiệp, Ban PPP; các Cục: Hàng hải VN, Đăng kiểm VN; Viện Chiến lược và phát triển GTVT; Tổng công ty: Công nghiệp tàu thủy, Hàng hải VN; đơn vị tư vấn lập Quy hoạch.

Thành viên dự họp tập trung góp ý, hoàn thiện nội dung dự thảo Quy hoạch
chi tiết Cơ sở phá dỡ tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Việc phá dỡ tàu cũ đã được triển khai từ lâu tại nước ta, mang lại lợi ích kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên bên cạnh các cơ sở phá dỡ tàu có giấy phép thực hiện còn có những cơ sở phá dỡ tàu bất hợp pháp, việc thiếu kiểm soát hoạt động này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.

Mục tiêu của việc lập Quy hoạch nhằm phát triển các cơ sở phá dỡ tàu cũ tập trung tại khu vực miền Bắc, miền Trung và các vùng lân cận trên cơ sở các nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các cơ sở khác có chức năng phá dỡ tàu cũ, có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và kết cấu hạ tầng phù hợp, có khả năng đáp ứng đầy đủ các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm và đặc biệt đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Thực hiện nhiệm vụ Bộ GTVT giao, Cục Hàng hải VN và đơn vị tư vấn đã triển khai lập Quy hoạch chi tiết Cơ sở phá dỡ tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đến nay đã hoàn thành sơ bộ nội dung Quy hoạch này.

Tại cuộc họp, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (đơn vị lập Quy hoạch) đã báo cáo tóm tắt nội dung Quy hoạch (QH) chi tiết Cơ sở phá dỡ tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gồm: lý do lập QH; quan điểm lập QH; mục tiêu và định hướng QH; nội dung nghiên cứu và các kết luận kiến nghị; trong đó nội dung nghiên cứu QH bao gồm đánh giá hiện trạng cơ sở, hạ tầng của các nhà máy đóng, sửa chữ, phá dỡ tàu; dự báo nhu cầu sử dụng thép vật liệu trong nước, nhu cầu phá dỡ tàu trong nước và quốc tế; xu thế dịch chuyển của ngành công nghiệp tàu thủy cũng như phá dỡ tàu cũ; công nghệ phá dỡ, tiêu chí lựa chọn trên công nghệ phá dỡ tàu; từ đó đề xuất QH cơ sở phá dỡ tàu; đề xuất tiến độ, ưu tiên đầu tư và thực hiện QH.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công biểu dương Cục Hàng hải VN, đơn vị tư vấn đã cố gắng hoàn thiện dự thảo Quy hoạch chi tiết Cơ sở phá dỡ tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với nhiều nội dung đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Thứ trưởng yêu cầu đơn vị tư vấn phân tích thật kỹ thực trạng phá dỡ tàu biển tại Việt Nam tại thời điểm hiện nay, những cơ sở phá dỡ tàu có/không có Giấy phép thực hiện và cơ sở phá dỡ tàu bất hợp pháp; hậu quả của việc phá dỡ tàu bất hợp pháp; tác động tích cực, tiêu cực của việc phá dỡ tàu đang triển khai; cơ sở vật chất trước đây, nhiệm vụ, mục tiêu của từng doanh nghiệp đóng tàu của SBIC sau khi được Bộ GTVT phê duyệt Đề án tái cơ cấu lĩnh vực hàng hải, phân tích năng lực dư thừa công suất, khả năng lao động, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, mặt bằng; từ đó đưa ra mục tiêu quản lý chặt chẽ hoạt động phá dỡ tàu, đặc biệt để đảm bảo môi trường và an toàn hàng hải. Tận dụng các cơ sở vật chất về máy móc thiết bị, kho tàng, bến bãi, của doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn khu vực miền Bắc, miền Trung và các khu vực lân cận; rà soát lại điều kiện tự nhiên, luồng lạch, khả năng xử lý môi trường; giao thông kết nối bao gồm cả đường bộ và thủy nội địa.

Ngoài ra, Thứ trưởng đồng ý quy hoạch chi tiết cho từng khu vực, đồng thời yêu cầu phân tích kỹ ưu, nhược điểm của từng phương án phá dỡ tàu, định hướng phương án phù hợp với khu vực phá dỡ cụ thể; đưa ra phương án tham khảo tại các nước liên quan để đánh giá tính kinh tế của việc phá dỡ tàu...

Thứ trưởng đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của thành viên dự họp, khẩn trương hoàn thiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng nội dung dự thảo QH, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 30/5 tới đây.

Cùng ngày 20/5, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chủ trì cuộc họp với đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm góp ý cho nội dung dự thảo Thông tư quy định thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu tàu biển về phá dỡ tại Việt Nam. Trên cơ sở các ý kiến của thành viên dự họp, Thứ trưởng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam hoàn thiện nội dung dự thảo Thông tư này; Vụ Pháp chế thẩm định trước khi báo cáo Bộ GTVT.

VH