Bộ GTVT lý giải các thắc mắc về trạm thu phí đường bộ BOT

Ngày 27/05/2015
Phóng viên Bản tin tài chính VTV1 phỏng vấn ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ GTVT về câu chuyện thu phí đường bộ tại các trạm thu phí đường BOT.

Trong cuộc trao đổi của phóng viên Bản tin tài chính VTV1 với ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ GTVT tối 22/5, một số thắc mắc có liên quan tới trạm thu phí BOT cũng đã được ông Đỗ Văn Quốc giải thích rõ ràng và minh bạch.

Xin trân trọng giới thiệu phần trao đổi này.

Ảnh minh họa

 

Thưa ông, theo quy định 159 của Bộ Tài chính thì khoảng cách các trạm thu phí trên cùng một tuyến đường tối thiểu là 70km, thế nhưng ỏ một số trạm thu phí lại có khoảng cách ngắn hơn, khiến nhiều người băn khoăn, ông có thể giải thích rõ hơn về điều này được không?

Theo quy định của Thông tư 159 năm 2003 của Bộ Tài chính thì trong trường hợp khoảng cách không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km thì Bộ GTVT xin ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định đối với đường quốc lộ, UBND tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định thì trong thông tư này không nhất thiết các trạm thu phí phải đáp ứng khoảng cách là 70km.

Trên thực tế, các dự án giao thông có rất nhiều điểm đặc thù ví dụ như các dự án hầm, dự án các cầu thay thế các cầu phao, dự án đường bộ đi qua các vùng đông dân cư thì chúng ta không thể áp dụng điều kiện đặt các trạm thu phí đáp ứng là 70km.

Mặt khác, trong quá trình xem xét, phê duyệt các dự án BOT thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã xem xét tính toán, phân tích rất kỹ các phương án đầu tư, đặc biệt là phương án tài chính và tính thuận lợi của người tham gia giao thông, từ đó xem xét quyết định tính hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Trong trường hợp khoảng cách giữa các trạm thu phí không đáp ứng khoảng cách 70km thì Bộ GTVT đều có văn bản xin thỏa thuận thống nhất với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính. Như vậy, việc hình thành các trạm thu phí trên các dự án BOT là hoàn toàn phù hợp.

Hiện nay, các mức thu phí ở các trạm thu cũng rất khác nhau. Vậy cơ sở nào để chúng ta đưa ra các mức phí như vậy?

Việc tính toán thu phí các trạm thu phí BOT thì phải dựa trên rất nhiều các yếu tố, như là quy mô đầu tư của dự án, tổng mức đầu tư của dự án,… tuy nhiên mức thu phí cũng phải nằm trong khung mức thu phí của Bộ Tài chính.

Trên các đường cao tốc hiện nay, chúng ta tổ chức thu theo hình thức thu phí kín, nghĩa là thu phí theo số km xe chạy. Thực tế thì xe chạy nhiều, sẽ thu phí nhiều, xe chạy ít sẽ trả phí ít. Việc thu phí khác nhau trên đường cao tốc như vậy là hoàn toàn phù hợp và công bằng.

Việc thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện đã được triển khai, thế nhưng chúng ta vẫn tiến hành thu phí trên các trạm BOT, vậy thì đây có phải là phí chồng phí không?

Việc triển khai đồng thời thu phí trên đầu phương tiện và thu phí ở các trạm thu phí BOT là hoàn toàn minh bạch và không có hiện tượng phí chồng phí.

Bởi vì phí thu trên đầu phương tiện chi cho Quản lý hệ thống bảo trì đường quốc lộ, đường địa phương được đầu tư bằng vốn nhà nước và các tiền phí này không dùng để hoàn vốn và bảo trì các đường BOT.

Còn phí thu được trên các trạm BOT dùng để hoàn vốn, số tiền mà nhà đầu tư đã bỏ ra đầu tư các dự án này và để quản lý bảo trì suốt hợp đồng BOT.
 

Nguồn: Báo Giao thông