Phấn đấu cuối năm 2015, TNGT đường sắt giảm cả 3 tiêu chí

Ngày 02/06/2015
Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng tại cuộc họp sáng nay (2/6) với các cơ quan đơn vị liên quan về an toàn giao thông đường sắt.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp về an toàn giao thông đường sắt

Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp về an toàn giao thông đường sắt

5 tháng đầu năm TNGT đường sắt tăng cả ba tiêu chí

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết: Trong 5 tháng đầu năm, TNGT đường sắt tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, xảy ra 86 vụ, làm chết 76 người và bị thương 24 người.

So với cùng kỳ năm 2014, số vụ tăng gần 18% (tương đương tăng 13 vụ), số người chết tăng 8,5% (tương đương tăng 6 người) và số người bị thương tăng 50% (tương đương tăng 8 người).

Qua phân tích cho thấy, TNGT đường sắt xảy ra chủ yếu tại các đường ngang dân sinh chiếm gần 79%, tại các đường ngang có cảnh báo tự động chiếm hơn 18% và tại các đường ngang có biển báo chiếm gần 3%.

Trong tháng 3 và tháng 4 có số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT đường sắt chiếm cao nhất. Cụ thể tháng 3 tăng 125% số vụ, tăng 200% số người chết và tăng 150% số người bị thương. Tháng tư tăng gần 188% số vụ, tăng gần 186% số người chết và tăng 300% số người bị thương.

Nhiều giải pháp quyết liệt kiềm chế và giảm thiểu TNGT đường sắt

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các Vụ Vận tải, ATGT, Kết cấu hạ tầng giao thông; Cục ĐSVN, Tổng công ty ĐSVN đã đưa ra nhiều giải pháp xung quanh vấn đề đảm bảo ATGT đường sắt.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng, mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương và các cơ quan chức năng liên quan đến đường sắt nhưng TNGT đường sắt trong 5 tháng đầu năm nay vẫn tăng cả 3 tiêu chí. Đặc biệt có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra. Điều này chứng tỏ những giải pháp chúng ta đưa ra chưa thực sự hiệu quả. Trong khi các năm trước đó TNGT đường sắt đều giảm.

“Do vậy, chúng ta cần phải nghiêm túc, đánh giá nguyên nhân vì sao; kiểm điểm lại các giải pháp đã thực hiện. Cái gì tốt có hiệu quả, cái gì chưa tốt chưa có hiệu quả, còn tồn tại bất cập ở đâu… để  đưa ra giải pháp cụ thể. Mục tiêu từ nay đến cuối năm phải kiềm chế, giảm thiểu TNGT đường sắt. Phấn đấu đến cuối năm giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương”  - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhiều giải pháp quyết liệt kiếm chế và giảm thiểu TNGT đường sắt

Đã có nhiều giải pháp quyết liệt kiềm chế và giảm thiểu, nhưng TNGT đường sắt thời gian qua vẫn còn nhiều (Ảnh: Báo Giao thông)

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo Cục ĐSVN, Tổng công ty ĐSVN và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời trình Quy hoạch triển khai Chiến lược này. Cụ thể hóa các mục tiêu trong Quy hoạch, Chiến lược. Hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam hiện có là hiện đại hóa những gì; xây dựng đường sắt mới là xây dựng như thế nào. Tất các đều phải công khai, công bố cho người dân biết.

Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế rà soát lại việc tổng kết, đánh giá Luật Đường sắt, các Thông tư, Nghị định liên quan đến đường sắt để đẩy nhanh phát triển đường sắt, trong đó có việc đảm bảo ATGT đường sắt; xác định lộ trình cụ thể về hành lang đảm bảo ATGT đường sắt; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, trong đó tập trung vào các địa phương thường xuyên xảy ra TNGT đường sắt; rà soát lại tốc độ chạy tàu; xác định rõ trách nhiệm của người gây ra tai nạn.

Đối với các giải pháp trước mắt để kiềm chế và ngăn chặn TNGT đường sắt, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phải ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào đảm bảo trật tự ATGT đường sắt; xem xét các giải pháp hiện nay còn tồn tại bất cập gì để có giải pháp cụ thể; nâng cao khả năng của Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt; tổ chức diễn tập cứu hộ đường sắt; rà soát lại toàn bộ các đường ngang; thực hiện phương châm cứu hộ 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương tiện tại chỗ”; rà soát lại hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, cảnh báo; thường xuyên tổ chức tuyên truyền giáo dục về ATGT đường sắt.

Bộ trưởng cũng giao Vụ Tổ chức cán bộ làm công văn báo cáo và xin đề nghị Bộ Công an biệt phái một đồng chí sang làm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN chuyên phụ trách về ATGT đường sắt.

K.A