Đầu tư Long Thành: Không thể chậm hơn nữa

Ngày 04/06/2015
Tại phiên thảo luận tại hội trường sáng nay (4/6), tất cả đại biểu phát biểu đều đồng ý thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh

Đại biểu Trần Ngọc Vinh

"Trước sau cũng phải làm một sân bay mới, tôi đề nghị Quốc hội thông qua"

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn ĐBQH Hải Phòng) bày tỏ thái độ rất rõ ràng về dự án này: '“Trước sau cũng phải làm một sân bay mới. Tôi đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nếu chậm sẽ mất thời cơ vàng".

Theo đại biểu Vinh, báo cáo của Chính phủ về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành rất chu đáo, đầy đủ. Tuy nhiên, đại biểu Vinh lưu ý về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn và phân kỳ đầu tư, Chính phủ cần nghiên cứu nên đưa ra nhiều phương án để cho ý kiến, cũng như tính toán yếu tố tác động hàng năm. Cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ.

Về phương án giải phóng mặt bằng, ông Vinh thống nhất phương án thu hồi đất một lần 5.000 ha theo cơ chế đặc thù. Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa tầm quan trọng của Cảng hàng không Long Thành, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân. Có phương án bồi thường tái định cư hợp lý, ổn định cuộc sống, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất. Có phương án khai thác sân bay Tân Sơn Nhất sau khi có Long Thành và tính toán sức cạnh tranh của Long Thành với các sân bay khác trong khu vực và quốc tế.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Trần Ngọc Vinh, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc) cho biết, khi có Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và du lịch. Long Thành là trung tâm kinh tế trọng điểm và khoảng cách 45 phút từ sân bay về thành phố là lý tưởng, bảo đảm yêu cầu của sân bay hiện đại tiêu chuẩn 4F, điều kiện an toàn đầu tư, địa chất và thủy văn thuận lợi, bảo đảm môi trường.

Về thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo thống nhất phương án thu hồi 1 lần 5.000 ha. Vì đây là dự án cấp quốc gia, cần ổn định quy hoạch, tái định cư bảo đảm dân ổn định sống. Các giai đoạn đầu tư cần tính đến chất lượng, tiến độ giữa các phân kỳ phải hát huy vài trò và hiệu quả kinh tế.

Phương án huy động vốn của Chính phủ là hợp lý. Đề nghị công khai minh bạch xuất đầu tư và so sánh các nước trong khu vực. Đề nghị xây dựng tuyến tàu điện ngầm cao tốc từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến trung tâm thành phố.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn ĐBQH Hà Nội) đề xuất cần tăng tiến độ triển khai dự án giai đoạn 1, nếu để đến 2025 mới xong là quá lâu. Bên cạnh đó nếu đầu tư hoàn toàn bằng ODA sẽ dẫn đến tăng nợ công, cần thu hút thêm các hình thức khác như PPP.... Vốn DN và PPP khoảng 51%... Giai đoạn 2 và 3 cần tăng tỷ trọng vốn PPP cao hơn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Đoàn ĐBQH Cần Thơ) khẳng định: "Ta đang chậm. Không thể chậm hơn nữa. Quá tải Tân Sơn Nhất là nhỡn tiền, cần triển khai Cảng hàng không Long Thành ngay".

Giảm tổng mức đầu tư như Chính phủ trình là hợp lý

Đồng tình với chủ trương cần thiết phải xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn ĐBQH Ninh Thuận) cho biết, việc điều chỉnh dự án vừa qua là cần thiết để phù hợp hơn nhu cầu hiện tại và tương lại. Quan trọng hơn là tiết kiệm đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương

Đại biểu Cương đề nghị cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh để hợp lý hơn, làm suốt trong triển khai Dự án. Kinh nghiệm từ triển khai các dự án lớn trước đây làm chậm dẫn đến bị đội vốn, cần tính toán để tránh tình trạng này.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn ĐBQH Quảng Bình) cũng thống nhất tổng mức đầu tư giảm so với khái toán ban đầu nhờ điều chỉnh là rất hợp lý. Tác động nợ công cũng không đáng kể. Cảng hàng không Long Thành là dự án sinh lợi mang lại hiệu quả, tác động mạnh mẽ hội nhập, đẩy mạnh thu hút đầu tư... Nhu cầu đi lại rất lớn trong tương lai là dấu hiệu đặt niềm tin cho lợi nhuận hàng không.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Trần Văn (Đoàn ĐBQH Cà Mau) cho rằng làm hạ tầng thì dễ, kỹ thuật dễ nhưng đón tiếp con người mới khó. Cần tính đến phương án để đón tiếp 50 triệu, thậm chí 75 triệu lượt hành khách là rất lớn. Cần có phương án cân đối các nguồn vốn. Quốc hội sẽ thường xuyên cập nhật Dự án thực hiện quyền giám sát của Quốc hội.

Nguồn: Báo Giao thông