Ban Cán sự đảng Bộ GTVT chỉ đạo quyết liệt giải quyết tình trạng hằn lún vệt bánh xe

Ngày 17/06/2015
Chiều nay (17/6), Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì buổi họp Ban Cán sự đảng Bộ GTVT chỉ đạo giải quyết nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc giải quyết triệt để tình trạng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa; công tác xã hội hóa hạ tầng giao thông…

Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định,
chỉ còn 1m đường bị hằn lún cũng thấy có lỗi với người dân

Báo cáo Ban cán sự, thay mặt Tổ đặc nhiệm xử lý hằn lún, ông Hoàng Hà – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ GTVT cho biết từ 10 – 14/6/2015, Tổ đặc nhiệm đã triển khai 3 đợt kiểm tra tại các dự án mở rộng QL1 qua các đoạn Ninh Bình – Dốc Xây, đoạn Hà Tĩnh – Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà – Phú Yên. Trong tháng 5 vừa qua, xuất hiện nắng nóng kéo dài ở khu vực miền Trung (nhiệt độ trên mặt đường bê tông nhựa có thời điểm đo được trên 70 độ C). Trên một số đoạn tuyến QL1 ở các tỉnh Ninh Bình đến Quảng Bình đã xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, gây ảnh hưởng đến khai thác và nguy cơ mất ATGT.

Về nguyên nhân, ông Hà cho rằng nguyên nhân chính là do nhận thức của các đơn vị chưa đồng đều. Các chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu vẫn thiếu lực lượng cán bộ chuyên sâu về bê tông nhựa, thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật có khả năng kiểm soát các công đoạn thi công…

Công tác thi công và kiểm soát chất lượng các lớp bê tông nhựa chưa tốt và chưa đúng yêu cầu kỹ thuật cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hằn lún.

Nguyên nhân khác cần phải kể đến là việc chưa thực hiện đúng các chỉ đạo của Bộ GTVT về thay đổi kết cấu mặt đường phù hợp với lưu lượng, tải trọng và tình trạng khai thác, ở các khu vực đèo dốc, khu công nghiệp, ngã ba, ngã tư chưa có giải pháp tăng cường kết cấu mặt đường thích hợp; đánh giá chất lượng, trữ lượng vật liệu chưa đủ, thiếu các thí nghiệm dính bám giữa đá và nhựa dẫn đến trong quá trình thi công một số dự án, nhà thầu thiếu thông tin, trữ lượng không đảm bảo, phải thay đổi điều chỉnh về nguồn vật liệu, dây chuyền sản xuất thiếu ổn định do khan hiếm vật liệu khi các dự án đồng loạt triển khai…

Khắc phục tình trạng trên, trước mắt, ông Hà đề xuất đối với các dự án xuất hiện hư hỏng hằn lún vệt bánh xe, nhà đầu tư, Ban QLDA phải khắc phục ngay các đoạn tuyến hư hỏng; Điều chỉnh thiết kế phù hợp cho các đoạn tuyến; Yêu cầu các nhà đầu tư, chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu tuân thủ đúng yêu cầu tập trung vật liệu tối thiểu 70% tại trạm trước khi tiến hành thí nghiệm cấp phối và rải thử. Trường hợp không có đủ mặt bằng và nguồn cung cấp vật liệu thì phải tiến hành thiết kế cấp phối, rải thử cho từng dây chuyền sản xuất vật liệu để đảm bảo có được cấp phối bê tông nhựa đạt yêu cầu kỹ thuật; Giảm tỷ lệ nhựa cho bê tông nhựa lớp trên dưới 5% như chỉ đạo của Bộ GTVT; Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ qui trình công nghệ thi công, đặc biệt là chế tạo vật liệu, thiết kế cấp phối, kiểm soát chất lượng chế tạo bê tông nhựa tại trạm trộn, sử dụng đủ lu rung để tăng độ đầm lèn...

Về lâu dài, ông Hà kiến nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện các tiêu chuẩn về thiết kế và thi công phù hợp với đặc điểm khí hậu, nhiệt độ, lưu lượng và tải trọng xe ở các vùng miền khác nhau; Sử dụng nhựa đường có nhiệt độ hóa mềm cao hơn, độ kim lún bằng 40-50 cho các tuyến đường giao thông chính có mật độ xe, tải trọng lớn; Nghiên cứu thay đổi kết cấu mặt đường trong quá trình tính toán, thiết kế dự án theo hướng thô hóa bê tông nhựa lớp dưới và hoặc sử dụng các lớp móng bằng vật liệu toàn khối; Tiếp tục tăng cường công tác siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện. Đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống cân tự động trên các tuyến QL, bổ sung các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KSTT phương tiện theo hướng công khai, minh bạch các thông tin vi phạm, tăng chế tài và xử lý nghiêm các vi phạm về tải trọng đường bộ.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định tình trạng hằn lún vệt bánh xe mặc dù đã giảm song vẫn còn là nỗi trăn trở của Ngành GTVT.

“Việc để tình trạng này tồn tại làm ảnh hưởng đến uy tín của toàn Ngành, khiến người dân mất niềm tin. Dù chỉ còn 1m đường bị hằn lún cũng thấy có lỗi với người dân”, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng khẳng định, Dự án dù làm bằng vốn trái phiếu hay BOT, BT… thì đều là tiền của dân, của doanh nghiệp. Là cơ quan quản lý, Bộ GTVT phải có trách nhiệm đưa ra các giải pháp đúng đắn, nhanh chóng  để khắc phục hiện tượng này.

Về lâu dài, Bộ trưởng lưu ý các đơn vị phải rà soát lại toàn bộ VBQPPL, đặc biệt là các văn bản liên quan đến chất lượng công trình cũng như tiêu chuẩn quy chuẩn thiết kế, thi công, quy trình giám sát, quy trình nghiệm thu thanh toán. Đặc biệt phải cập nhật tình hình thực tiễn, cập nhật cả biến đổi khí hậu.

Cùng đó, Bộ trưởng yêu cầu phải xác định rõ vai trò của Ban QLDA và các bên liên quan, có văn bản chấn chỉnh. Phía Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ trưởng yêu cầu phải xem xét, quy rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan để xảy ra hằn lùn; Sắp xếp, chấm điểm lại các nhà đầu tư, nhà thầu, ban quản lý dự án.

“Song song với đó cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tải trọng xe, đặc biệt tại các kho hàng, bến cảng. Những dự án BOT không khắc phục được dứt khoát không cho thu phí” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước mắt, Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung xử lý khắc phục để đảm bảo ATGT và phải đưa ra quy trình, tiêu chuẩn cho việc sửa chữa để làm một cách khoa học, bài bản chứ không làm cho xong.

Giai đoạn 2016-2020, tổng nhu cầu vốn cho các dự án lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng

Cũng trong chiều nay, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng – Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP) đã báo cáo Ban cán sự tình hình thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương đa dạng hoá các hình thức huy động vốn, các hình thức đầu tư, đẩy mạnh hợp tác theo hình thức đối tác công tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Ông Huy cho biết, để đáp ứng nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của BCHTW Đảng, theo tính toán giai đoạn 2016-2020, tổng nhu cầu vốn cho các dự án do Bộ GTVT trực tiếp quản lý khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, trong đó,  đường bộ hơn 651 nghìn tỷ đồng (chiếm 64,1%); Đường sắt hơn 119 nghìn tỷ (chiếm 11,7%); Đường thuỷ nội địa hơn khoảng 33 nghìn tỷ đồng (chiếm 3,3%); Hàng hải gần 70 nghìn tỷ đồng (chiếm 6,7%) và hàng không hơn 101 nghìn tỷ đồng (chiếm 10%).

“Nhu cầu nguồn vốn để đầu tư phát triển KCHTGT giai đoạn 2016 - 2020 là rất lớn. Tuy nhiên theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì khả năng đáp ứng nhu cầu từ các nguồn vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách (bao gồm vốn NSNN, vốn ODA và TPCP đã được Quốc hội thông qua) chỉ được khoảng 66.000 tỷ đồng, chưa được 7% nhu cầu.

Đánh giá về thực trạng xã hội hoá đầu tư hiện nay, ông Huy nhấn mạnh việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong các lĩnh vực đường bộ, cảng biển, cảng đường thủy nội địa triển khai tương đối tốt; hành lang pháp lý và thể chế chính sách tương đối hoàn chỉnh. Đối với lĩnh vực sân bay, đã bắt đầu triển khai các dự án theo hình thức BOT và hình thức ACV hợp tác với các đối tác đầu tư. Đường sắt vẫn là lĩnh vực triển khai chậm và khó khăn nhất.

Được biết, về đầu tư kết cấu hạ tầng, trong thời gian qua, Bộ GTVT huy động được 202.044 tỷ đồng để đầu tư 70 dự án, với chiều dài 2.217km theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) và Xây dựng - Chuyển giao (BT). Hiện nay đang chuẩn bị đầu tư 45 dự án, với TMĐT khoảng 235.300 tỷ đồng, tổng chiều dài 2.100km (Trong đó 11 dự án cao tốc, TMĐT khoảng 179.550 tỷ đồng, tổng chiều dài khoảng 1.072km).   

Với kết cầu hạ tầng hàng hải, đến nay vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước (bao gồm FDI, vốn doanh nghiệp tự huy động) theo giá thời điểm năm 2014 đạt khoảng 157.600 tỷ đồng (đầu tư cho hệ thống cảng biển, thiết bị bốc xếp).  

“Lĩnh vực vận tải biển hiện nay cơ bản đã tư nhân hóa; doanh nghiệp vận tải do Nhà nước nắm giữ chỉ còn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng đang tích cực triển khai công tác cổ phần hóa, dự kiến sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015” – ông Huy cho biết.

Đối với đường thủy nội địa, đến nay, hầu hết hệ thống cảng, bến do các doanh nghiệp tự đầu tư với tổng mức đầu tư theo giá thời điểm năm 2014 khoảng 18.997 tỷ đồng, một số cảng đầu tư bằng ngân sách nhà nước đã được cổ phần hóa.

Với đường sắt, việc cho thuê kết cấu hạ tầng đường mới dừng ở mức cho  thuê mặt bằng để kinh doanh dịch vụ ở các ga hành khách lớn (Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng...) và cho thuê kho bãi ở các ga hàng hóa (Giáp Bát, Yên Viên, Bỉm Sơn...).

Về hàng không, thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận kêu gọi nhà đầu tư và đã khởi công đầu tư theo hình thức BOT khu hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết do nhà đầu tư là Tập đoàn Rạng Đông với TMĐT 1.694 tỷ, thời gian vận hành khai thác 84 năm; đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh kêu gọi đầu tư và chuẩn bị khởi công xây dựng cảng hàng không Vân Đồn, nhà đầu tư là tập đoàn Sun Group, TMĐT 7.494 tỷ đồng, thời gian vận hành khai thác 45 năm. Hiện nay, một số nhà đầu tư quan tâm đầu tư nhà ga hàng hóa sân bay Cát Bi, nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng, nhà ga quốc tế CHK Cam Ranh, nhà để xe tại CHK Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Bộ GTVT đang giao ACV nghiên cứu đề xuất hình thức đầu tư.      

Về vận tải: Hiện nay, trong nước có 4 hãng hàng không đang khai thác, trong đó chỉ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là công ty nhà nước. Đến nay, Vietnam Airlines đã hoàn tất công tác cổ phần hóa (vốn điều lệ là 11.198 tỷ đồng, Nhà nước nắm giữ 94,44%); đồng thời, tập trung lựa chọn được cổ đông chiến lược để bán 20% vốn điều lệ, giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước xuống còn 75%.

Tăng cường huy động vốn xã hội hoá, giai đoạn 2016-2020, ông Huy cho biết Bộ GTVT lên kế hoạch huy động vốn ngoài ngân sách khoảng 189 nghìn tỷ đồng đầu tư vào hệ thống đường bộ trong đó tập trung chủ yếu là hệ thống đường cao tốc và một vài tuyến quốc lộ trọng yếu.

Về hàng hải, dự kiến huy động khoảng 44 nghìn tỷ đồng vào kết cấu hạ tầng hàng hải, trong đó ưu tiên đầu tư các cảng đầu mối trung chuyển và các các chuyên dùng. Đường thủy nội địa dự kiến huy động khoảng 13 nghìn tỷ đồng đầu tư tập trung vào hệ thống cảng chuyên dùng và một số tuyến luồng đường thủy trọng yếu khu vực phía Bắc, Đồn Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Hàng không dự kiến huy động khoảng 56 nghìn tỷ đồng đầu tư vào sân bay Long Thành và các nhà ga một số sân bay, cảng hàng không. Đường sắt dự kiến huy động khoảng 14 nghìn tỷ đầu tư xây dựng các nhà ga, kho bãi, bãi hàng, khu dịch vụ.

H.L