Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Long Thành

Ngày 25/06/2015
Sáng nay, 25/6, có tổng số 461 đại biểu quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết cho chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành, chiếm 93,32% tổng số ĐBQH.

Phối cảnh Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành

Phối cảnh Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành

Trong đó có 428 ĐB nhất trí thông qua, chiếm tới 86,64%, 17 ĐB không tán thành (chiếm 3,44%), 16 ĐB không biểu quyết (chiếm 3,24%).

Tỷ lệ ĐB bỏ phiếu thuận trong tổng số 428 ĐB tham gia biểu quyết sáng nay lên tới gần 93%. Với kết quả này, Quốc hội đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ủy ban Thường vụ QH cho biết đa số các ĐBQH đề nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư Cảng HKQT Long Thành để sớm phát huy hiệu quả dự án.

Đề nghị sớm triển khai Long Thành, công khai kết quả giám sát dự án

Trước đó, thay mặt UB Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH thảo luận tại Hội trường và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Theo báo cáo, ngày 4/6/2015, trên cơ sở Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đã có 15 vị ĐBQH phát biểu thảo luận tại Hội trường về nội dung này và 3 vị ĐBQH gửi ý kiến tham gia bằng văn bản.

Tất cả các ý kiến đều tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án Cảng HKQT Long Thành. Một số ý kiến cho rằng do tính cấp thiết của Dự án, đề nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư để sớm đưa Dự án vào khai thác.

Một số ĐBQH cho rằng việc quy hoạch, quản lý quy hoạch, chủ trương đầu tư phải có tầm nhìn lâu dài; tăng cường công tác giám sát của các cấp, các ngành, đặc biệt vai trò giám sát của Quốc hội, kết quả giám sát cần phải công khai để người dân biết.

Nhiều ý kiến yêu cầu phải tăng tính công khai, minh bạch, tính chịu trách nhiệm, phải có những giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong quá trình đầu tư, ngăn chặn không để nhóm lợi ích chi phối quá trình triển khai thực hiện Dự án; bảo đảm suất đầu tư, chất lượng, công nghệ tương đương với các cảng hàng không hiện đại khác trong khu vực; đảm bảo nguồn nhân lực vận hành, năng lực cạnh tranh và yêu cầu phải đạt hiệu quả kinh tế - xã hội.

Kết quả Quốc hội biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sáng 25/6

Kết quả Quốc hội biểu quyết thông qua
chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sáng 25/6

Trước ý kiến cho rằng chưa nên đặt ra vấn đề trung chuyển đối với Cảng HKQT Long Thành vì việc trung chuyển được hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành trước hết là để giải quyết vấn đề quá tải của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa trong nước và quốc tế bằng đường hàng không. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án với mục đích giảm tải cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, trên cơ sở yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, sẽ đầu tư giai đoạn 2, giai đoạn 3 với quy mô công suất phù hợp.

Trước ý kiến đề nghị cần làm rõ hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án, đánh giá tác động của việc thực hiện Dự án đối với vấn đề nợ công, an ninh tài chính quốc gia, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, để đánh giá tính khả thi về mặt kinh tế của Dự án trên quan điểm nền kinh tế quốc gia, tổ chức tư vấn đã thực hiện đánh giá kinh tế dựa trên các chi phí và lợi ích kinh tế của Dự án.

Theo tính toán ở bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và tính toán của Hội đồng thẩm định Nhà nước thì Dự án đạt các chỉ số khả thi. Tuy nhiên, số liệu về hiệu quả kinh tế của Dự án sẽ được xác định chính xác khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Ngoài ra, việc đầu tư Dự án còn mang lại các lợi ích kinh tế - xã hội quan trọng như: góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước; góp phần nâng cao trình độ khoa học - công nghệ; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm. Về tác động của Dự án đối với nợ công, với các kịch bản được tính toán, mức độ tác động đến nợ công tối đa 0,28% GDP...

Trong 421 ý kiến đóng góp dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Long Thành, chỉ có 1 ý kiến phản đối

Ngày 15/6, Đoàn Thư ký đã gửi dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Cảng HKQT Long Thành xin ý kiến ĐBQH. Tính đến hết ngày 18/6/2015, Đoàn Thư ký đã thu về được 421 bản ý kiến, trong đó, có 386 ý kiến đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 1 ý kiến không đồng ý, 34 bản có ý kiến một số vấn đề cụ thể.

Tiếp thu các ý kiến của ĐBQH, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.

Theo đó, Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Cảng HKQT Long Thành Quyết định chủ trương đâu  tư Dự án Cảng HKQT Long Thành, địa điểm tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Dự thảo cũng nêu rõ mục tiêu của Dự án là Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); giữ vai trò là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, với mục tiêu giai đoạn 1 khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Quy mô của dự án là Đầu tư xây dựng các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu khách/năm, hàng hóa 5 triệu tấn/năm.

Tổng mức đầu tư: khái toán cho toàn bộ Dự án là 336.763 tỷ đồng (tương đương 16,036 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.569 tỷ đồng (tương đương 5,456 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, vốn cổ phần hóa, vốn đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Chính phủ chỉ đạo triển khai thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án (5.000 ha); có giải pháp để quản lý và sử dụng hiệu quả đất chưa sử dụng của Dự án. Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, tổ chức sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng.

Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ: “Hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án”, ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
 

Nguồn: Báo Giao thông