Xây dựng Đèo Cả thành dự án kiểu mẫu về công trình hầm

Ngày 02/07/2015
Sáng 2/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thị sát công trình hầm Đèo Cả (nối 2 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa), dự án giao thông trọng điểm và là 1 trong 4 hầm đường bộ lớn nhất hiện nay. Cùng đi với Phó Thủ tướng có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, chủ đầu tư dự án, tư vấn giám sát...

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát tại công trường dự án hầm Đèo Cả.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát tại công trường dự án hầm Đèo Cả.

Dự án hầm Đèo Cả gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã và đường dẫn với tổng chiều dài hơn 13 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc 80 km/giờ. Riêng phần hầm Đèo Cả dài hơn 4,1 km, gồm 2 ống hầm song song cách nhau 30 m, mỗi ống hầm rộng 9,75 m, gồm 2 làn xe cùng dải an toàn và hành lang bảo dưỡng.

Hầm Cổ Mã dài 500 m và có quy mô mặt cắt tương tự như hầm Đèo Cả. Đường dẫn có tổng chiều dài 8,5 km, gồm 6 cầu với tổng chiều dài 1,2 km với 4 làn xe và dải an toàn.

Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) và BT (xây dựng-chuyển giao) với tổng mức đầu tư ban đầu là 15.603 tỷ đồng, khởi công vào tháng 11/2012 và dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2017.

Sau một thời gian triển khai, với việc thay đổi phương thức thu xếp tài chính, hình thức thực hiện dự án, tổng mức đầu tư của dự án giảm xuống còn 11.378 tỷ đồng, tiết kiệm được hơn 4.200 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt.

Hầm Cổ Mã đã thông và hoàn thành bê tông vỏ hầm từ giữa tháng 6/2015, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2015, nhanh hơn kế hoạch 1 tháng. Hầm Đèo Cả đang triển khai thi công 3 ca liên tục, đến nay đã đào 3.050/8.250 m hầm, dự kiến thông hầm trong tháng 9/2016 và hoàn thành đồng bộ vào tháng 7/2017. Phần đường dẫn và cầu đáp ứng tiến độ và khối lượng, hiện đạt khoảng 43%.

Tại cuộc giao ban công trường, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, Công ty tiếp tục triển khai hai dự án thành phần gồm hầm Cù Mông nối Phú Yên và Bình Định theo hình thức BOT, dự kiến sẽ khởi công trong tháng 9/2015. Đồng thời, Công ty đã lập dự án báo cáo đầu kỳ mở rộng hầm Hải Vân trên cơ sở mở rộng đường lánh nạn hiện có.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát tại công trường dự án hầm Đèo Cả.

Phó Thủ tướng thăm hỏi cán bộ, công nhân công trường.

Thị sát các hạng mục, việc đào đắp hầm và thăm hỏi cán bộ, công nhân công trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, sau hơn 2 năm triển khai, dự án Đèo Cả đã có những bước tiến khả quan, chủ động được nguồn vốn trong nước. Các nhà thầu đã chứng tỏ năng lực trong quá trình thực hiện một trong những dự án khó và phức tạp nhất của ngành giao thông hiện nay.

"Đây là dự án có quy mô lớn và thành công trong triển khai thực hiện, thu xếp tín dụng, kiểm soát tốt về an toàn, tiến độ, chất lượng và đặc biệt là việc tiết giảm tổng mức đầu tư, mang lại lợi ích cho các bên và xã hội", Phó Thủ tướng ghi nhận.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mong muốn Công ty CP Đầu tư Đèo Cả tiếp tục phát huy, phấn đấu trở thành thương hiệu mạnh, chuyên thi công hầm - hạng mục khó và phức tạp về kỹ thuật. Tiến độ đào 150 m/tháng được coi là đã bắt kịp trình độ, công nghệ đào hầm giao thông của thế giới.

Về thi công, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn lao động cũng như phát huy tinh thần tiết kiệm, nâng cao hiệu quả để dự án trở thành điển hình cho việc thu hút đầu tư xã hội, triển khai mô hình BOT, PPP đối với những dự án hạ tầng quy mô lớn ở Việt Nam.

Các địa phương liên quan hỗ trợ và tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng, tái định cư và đặt trạm thu phí phù hợp, đồng bộ với tiến độ triển khai dự án.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến xử lý kiến nghị của nhà đầu tư, ý kiến các Bộ, ngành về kế hoạch sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho dự án hầm Đèo Cả, việc thu xếp vốn tín dụng cho dự án mở rộng hầm Hải Vân.

Nguồn: Chinhphu.vn