Bộ GTVT tổng kết 5 năm (2010 - 2015) công tác xây dựng quản lý giao thông nông thôn

Ngày 06/07/2015
Sáng nay (6/7), Bộ GTVT đã tổ chức Tổng kết 5 năm (2010 - 2015) công tác xây dựng, quản lý giao thông nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới và phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu giai đoạn 2016- 2020.
Đến dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cùng đại diện các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương…


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Đinh La Thăng
cùng các đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT điều hành Hội nghị 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: "Đến thời điểm này, cả nước có 492.892/570.448 km đường, chiếm 86,6% chiều dài toàn bộ mạng lưới đường bộ. Như vậy, chỉ trong 5 năm qua đường GTNT đã tăng thêm 217.000 km, trong đó đường huyện tăng 10.500 km, đường xã và về thôn xóm tăng 101.000 km. Ngay cả đường trục nội đồng nay đã được thống kê có 108.000 km. Đến nay cũng có 220.000/492.892 km đường GTNT được cứng hoá…".


Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: công tác xây dựng GTNT có được kết quả tốt
 
là do các địa phương đã nhìn thấy tầm quan trọng của đường GTNT đối với đời sống người dân

Để đạt được kết quả này, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể là do các địa phương đã nhìn thấy tầm quan trọng của đường GTNT đối với đời sống người dân. Đảng và Chính phủ thời gian qua cũng triển khai xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển GTNT. Một nguyên nhân quan trọng nữa là người dân rất đồng tình với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bởi họ thấy rõ được lợi ích của các công trình trong việc phục vụ nhu cầu đi lại, học hành, chữa bệnh, phát triển kinh tế… Bên cạnh đó, thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình hay, thể hiện sự đồng tâm hiệp lực của Đảng, Nhà nước, xã hội, người dân trong việc huy động nguồn vốn phát triển GTNT”.

Đến thời điểm hiện nay, có thể nói cơ bản các chỉ tiêu chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 chúng ta đạt theo tiến độ. Về mục tiêu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới thì hết năm nay cả nước đã có 25% số xã đạt được tiêu chí về giao thông.


Đoàn thanh niên xã Tân Thịnh xung kích đi đầu
trong bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại xã.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể, nói tới các mô hình tốt phát triển GTNT thời gian qua, phải nhắc đến cả hai cấp độ. Thứ nhất, đó là các chủ trương, chính sách của chính quyền các địa phương. Một số địa phương, Tỉnh ủy, HĐND đã ban hành Nghị quyết riêng về phát triển GTNT. Tiếp đó, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Với mô hình này, ngân sách tỉnh, huyện, xã sẽ tập trung được nguồn lực tương đối lớn để phát triển GTNT. Với cách làm này, nhiều tỉnh đã hoàn thành các tiêu chí về GTNT với tỷ lệ rất cao như: TP Cần Thơ đạt chuẩn 92%, Bình Dương đạt 90%, Vĩnh Phúc 86%... Cái được của mô hình này là đã huy động được cả hệ thống chính trị đồng tâm hiệp lực để làm.

Một mô hình được nhiều người biết tới là “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhưng có sự chỉ đạo tập trung từ Tỉnh ủy. Mô hình này được thể hiện rõ ở Tuyên Quang, Phú Yên. Theo đó, Tỉnh ủy ban hành Đề án về phát triển GTNT, trong đó kêu gọi người dân góp sức cùng tham gia với Nhà nước. Chẳng hạn như: Tuyên Quang đã hỗ trợ toàn bộ xi măng, ống cống và vận chuyển đến tận công trình, còn người dân hiến đất, vật liệu xây dựng và tổ chức triển khai thi công. Tuyên Quang đã cộng đồng trách nhiệm và đã phát triển được 2.500 km đường GTNT theo hình thức này. Phú Yên cũng ban hành một quy định tương tự, nhưng ngoài hỗ trợ toàn bộ xi măng địa phương này còn hỗ trợ một khoản kinh phí từ 2–3 triệu đồng cho 1 km đường GTNT. Hơn hai năm Phú Yên đã phát triển được 1.400 km đường GTNT. Mô hình này có chung một mẫu số là kết hợp vốn ngân sách với sức dân và được người dân rất đồng tình.


Đường làng ngõ xóm mỗi ngày một thay da đổi thịt...

Mô hình khác cũng rất đáng chú ý là việc thành lập các hội từ thiện quyên góp xây dựng GTNT tại Đồng Tháp, Bến Tre. Tại đây, các địa phương lập các Hội cầu đường ở các cấp (tỉnh, huyện, xã) và đi vận động kinh phí làm cầu đường từ các hội đồng hương, các cá nhân thành đạt, mạnh thường quân tại địa phương... Tại Đồng Tháp, chỉ trong hai năm đã huy động được 88 tỷ đồng, xây dựng 200 cây cầu nông thôn. Bến Tre cũng làm tương tự và tạo bước đột phá về GTNT…

Điều nhận thấy là các mô hình trên đều giống nhau là huy động được nguồn vốn xã hội kết hợp với sự hỗ trợ của chính quyền. Đây là những mô hình cần được nhân rộng.

Để tạo đột phá về GTNT trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Bộ GTVT, trước tiên là phải rà soát các chiến lược, quy hoạch, chương trình lớn về phát triển GTNT để điều chỉnh, định hướng phát triển GTNT bền vững, không bị lạc hậu. Nếu làm không tốt có thể dẫn đến tình trạng nay làm mai lại phá rất lãng phí. Vì thế chiến lược phải có sự tập trung. Bên cạnh đó, cần thiết phải ban hành chính sách để có một phần kinh phí thoả đáng cho công tác bảo trì. Hiện nay, công tác này đã được quan tâm nhưng chưa đúng mức nên có những trường hợp xảy ra sập cầu, nhiều đường sá, cầu cống hư hỏng không được bảo dưỡng.

Một giải pháp nữa là cần tăng cường sự giám sát nhân dân. Thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong thực hiện. Đặc biệt là với kinh phí huy động và thi công phải tăng cường sự giám sát của nhân dân thông qua Ban giám sát cộng đồng có sự tham gia của HĐND, đại diện cộng đồng dân cư hưởng lợi từ công trình do dân bầu…

Hiện nay, lực lượng quản lý GTNT rất yếu kém, bất cập, nhất là ở cấp cơ sở, mới có cán bộ quản lý giao thông cấp huyện chứ cấp xã không có. Cán bộ xã kiêm nhiệm nhiều thứ nên GTNT ở cấp xã không có người quản lý. Vì thế, cần có cơ chế chính sách để bố trí bộ phận chuyên trách theo dõi, quản lý bảo dưỡng đường ở cấp xã. Bộ phận này không cần thiết phải có thêm biên chế mà chỉ cần bố trí một người có trách nhiệm theo dõi về giao thông vì hạ tầng giao thông ngày càng trở thành một tài sản lớn của nhà nước. Cán bộ này sẽ chỉ cần làm nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, bảo dưỡng. Việc thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng vẫn có thể huy động sức dân.

Về cấp vĩ mô, trong thời gian tới chúng ta cũng cần có những chỉ thị của Đảng hoặc Chính phủ về công tác phát triển GTNT nhằm huy động mọi thành phần chính trị vào cuộc. Hiện,một số địa phương có nguồn thu tốt, có điều kiện bố trí nguồn vốn nhưng cũng chưa thực sự quan tâm phát triển hệ thống GTNT. Vì thế, rất cần có những chỉ đạo, định hướng đối với các địa phương làm tốt hơn công tác này.

Việc phát triển GTNT hiện nay có một khó khăn là những địa phương có nguồn thu tốt thì mức hỗ trợ của chính quyền thường cao trong khi ở những địa phương khó khăn, cần đẩy mạnh phát triển GTNT thì lại có nguồn thu thấp nên mức hỗ trợ cũng hạn chế. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Thể, trước tiên vẫn phải huy động nội lực. Có thể có tỉnh giàu, tỉnh nghèo, nhưng tỉnh nào cũng phải dành một sự quan tâm đến GTNT vì đó là vấn đề đời sống dân sinh rất quan trọng. Tuy nhiên do những điều kiện khác nhau mà có tình trạng tỉnh giàu sẽ làm tốt hơn tỉnh nghèo vì có nguồn lực.

Khẳng định tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Hiện Bộ GTVT đang xây dựng các đề án phát triển cầu đường nông thôn tại 50 tỉnh có đồng bào dân tộc, vùng khó khăn bằng nhiều hình thức như: ODA, từ thiện, huy động từ quỹ xã hội... Với việc sử dụng nguồn lực này kết hợp sự phấn đấu của tỉnh nghèo, khó khăn, tôi tin là tình hình sẽ sẽ tốt lên. Như vậy sẽ đảm bảo được sự hài hoà. Trong trường hợp khó huy động được các nguồn vốn, Chính phủ có thể xây dựng các chương trình mục tiêu hướng về tỉnh nghèo để phát triển GTNT.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chình phủ cho các địa phương xuất sắc trong xây dựng GTNT

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe tham luận của các địa phương về các mô hình mới, kinh nghiệm hay trong công tác xây dựng, quản lý GTNT đã được thực hiện 5 năm qua. Điển hình là Nghệ An với mô hình vận động nhân dân, doanh nghiệp đóng góp để xây dựng đường GTNT giai đoạn  (2010 - 2015) gắn với mục tiêu xây dựng NTM. Với mô hình này, công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh và duy trì một cách thường xuyên, sâu rộng, luôn đổi mới nội dung và đa dạng hóa hình thức. từ việc hiểu rõ được tầm quan trọng mục đích, ý nghĩa của việc mở rộng đường sá, người dân rất ủng hộ chủ trương làm đường giao thông. Bên cạnh đó, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh các địa phương trong tỉnh chịu trách nhiệm vận động hội viên gương mẫu đóng góp công sức, tự nguyện hiến đất ruộng, đất vườn, tháo dỡ tường rào để mở rộng đường giao thông nông thôn, đi đầu thực hiện chương trình vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tuyến đường tự quản….Một số địa phương đã vận động các doanh nhân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn hỗ trợ vật liệu xây dựng, công vận chuyển hoặc bằng tiền để xây dựng đường GTNT. Tính đến nay, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã hỗ trợ làm đường GTNT với tổng trị giá trên 110 tỷ đồng. Sau hơn 5 năm, toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp được 6.609 km các loại đường giao thông nông thôn và làm cầu cống dân sinh, với tổng kinh phí 8.528 tỷ đồng, trong đó, đã huy động nhân dân đóng góp được 1.674 tỷ đồng (chiếm 19,6%). Đến nay trên toàn tỉnh có 83 xã đạt tiêu chí số 2 (giao thông), tăng 83 xã so với năm 2010.  
 
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
 
UBND tỉnh Nam Định cũng trình bày kinh nghiệm trong công tác vận động nhân dân góp đất, hiến đất để xây dựng đường GTNT. Nhờ làm tốt công tác này, trong giai đoạn 2010 – 2015 các hộ dân trong tỉnh đã góp đất, hiến đất được 2.809 ha đất nông nghiệp (tương đương 5.618 tỷ đồng), trên 200 ha đất thổ cư (tương đương 1.000 tỷ đồng) để xây dựng hạ tầng kinh tế- xã hội và làm đường giao thông nông thôn. Kinh nghiệm ở đây là UBND tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách kịp thời; tập trung cao nguồn lực của tỉnh đầu tư, hỗ trợ cho chương trình xây dựng nông thôn mới trong đó có giao thông nông thôn. Các ngành, địa phương có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền vận động sâu rộng đến cộng đồng dân cư và mọi tầng lớp nhân dân để  từ đó nhân dân hưởng ứng tích cực tham gia hiến đất, góp đất, đóng góp tiền của, ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn. bên cạnh đó, Nam Định cũng thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Trong đó quy hoạch phát triển giao thông nông thôn đáp ứng được yêu cầu tiêu chí về giao thông cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cũng có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân tích cực đóng góp phong trào hiến đất, góp đất làm đường giao thông. 
Còn tại Phú Yên, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2013-2015, theo hướng xã hội hóa. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống, chi phí vận chuyển và quản lý, với kinh phí chiếm khoảng 40% dự toán công trình; nhân dân tự nguyện tổ chức giải phóng mặt bằng, đóng góp vật liệu cát, sỏi, sức lao động, máy móc thiết bị để thi công xây dựng, với giá trị kinh phí thực hiện chiếm khoảng 60% dự toán công trình. Kết quả qua gần 3 năm thực hiện Đề án bê tông giao thông nông thôn, tỉnh đã cung cấp trên 150.000 tấn xi măng cho các địa phương thực hiện hoàn thành trên 1.000km đường giao thông nông thôn, trong đó riêng phần đóng góp của nhân dân trị giá trên 200 tỷ đồng.
 
Tại Đồng Tháp, Hội Khoa học - Kỹ thuật cầu đường  tỉnh đã phát huy vai trò trong vận động các nguồn lực xã hội để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu đường nông thôn, thực hiện đúng đắn phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Hội cũng đã làm việc với Sở GTVT Đồng Tháp để Sở đặt hàng các thiết kế mẫu cầu GTNT khác nhau với khi có điều kiện kêu gọi các nhà tài trợ giúp đỡ vốn xây dựng. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng tổ chức và củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các đội thi công cầu từ thiện (dân nuôi ăn, không lấy tiền công xây dựng), đồng thời thành lập mới các đội thi công ở khắp các huyện, thị, thành phố kết hợp với bồi dưỡng kỹ thuật bảo đảm chất lượng công trình theo quy định.
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng hứa tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng
 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực phấn đấu của Bộ GTVT, các Bộ, Ngành Trung ương, các địa phương, đoàn thể và nhân dân trong công tác xây dựng, quản lý GTNT. Theo Phó Thủ tướng, xây dựng nông thôn mới nói chung và xây dựng GTNT nói riêng đã trở thành một phong trào rộng khắp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Phó Thủ tướng đề nghị trong giai đoạn tiếp theo bên cạnh nguồn lực từ trung ương và các địa phương cần tiếp tục huy động cả nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, trong huy động sức dân xây dựng phát triển GTNT cần chú ý khi huy động sự đóng góp của nhân dân các vùng nghèo, vùng khó khăn. Bên cạnh việc vận động nhân dân tham gia xây dựng, phát triển đường GTNT, các địa phương cũng phải vận động người dân bảo vệ, bảo trì hạ tầng GTNT. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT ngoài việc tiếp tục hướng dẫn tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới cần chỉ đạo và hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương để chất lượng đường GTNT được tốt hơn.
 
Thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã hứa sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng để triển khai và chỉ đạo sao cho đến năm 2020 đạt được các chỉ tiêu trong Nghị quyết của trung ương, Chính phủ. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ các các cơ quan trung ương, các địa phương và người dân trong phong trào xây dựng và phát triển GTNT.
 
Cũng tại Hội nghị này, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 15 tỉnh, thành phố có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển GTNT. Nhân dịp này Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã trao tặng Bằng khen cho 51 tập thể và 46 cá nhân có thành tích trong xây dựng và phát triển GTVT địa phương.      

HL - DT