Rà soát tình hình thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh - Thanh Hóa

Ngày 15/07/2015
Ngày 15/7, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua 06 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Cùng dự họp có đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, GTVT; lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh; Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT-CTCP (TEDI).

Theo báo cáo của TEDI về thực hiện quy hoạch đường ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh - Thanh Hóa, tuyến đường ven biển đoạn từ Quảng Ninh đến hết tỉnh Thanh Hóa với chiều dài khoảng 530km. Trong đó, phần do Trung ương đầu tư có tổng chiều dài là 238km, đã đầu tư hoàn thành theo quy mô phù hợp quy hoạch là 183km, đạt 77% chiều dài đầu tư, gồm các Quốc lộ: 10, 21, 18… (bao gồm cả các đoạn đi trùng QL1); còn lại đang chuẩn bị đầu tư, chiều dài 55km, đạt 23% gồm một phần cao tốc Hạ Long - Móng Cái, QL37 qua Thái Bình và đoạn đi trùng cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng dài 6km. Phần do địa phương đầu tư với tổng chiều dài là 292km, đã hoàn thành 23/292km theo quy hoạch, còn lại đang chuẩn bị đầu tư là 269km.

TEDI đánh giá, Bộ GTVT, theo phân công nhiệm vụ so với yêu cầu của quy hoạch đã hoàn thành đầu tư khoảng 78% khối lượng yêu cầu. Tiến độ các dự án của Bộ GTVT so với quy hoạch cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu. Các đoạn còn lại do địa phương đầu tư theo quy hoạch vẫn còn chậm, chủ yếu đã được đầu tư trong giai đoạn trước năm 2011. Từ nay đến năm 2020 cần đầu tư tiếp các đoạn tuyến còn lại để đảm bảo mục tiêu thông tuyến đường ven biển trước năm 2020 như quy hoạch đã được phê duyệt, đặc biệt cần ưu tiên đầu tư các đoạn tuyến trong các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc để làm động lực thúc đẩy các khu vực liên quan cùng phát triển, khai thác sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển, tăng cường củng cố an ninh quốc phòng.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đều đánh giá cao sự cần thiết đầu tư tuyến đường ven biển có ý nghĩa rất lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội, khai thác thế mạnh về biển, du lịch, dịch vụ, an ninh quốc phòng; đồng thời đưa ra các kiến nghị liên quan đến hướng tuyến, quy mô tuyến đường, nguồn vốn đầu tư...

Bộ trưởng Đinh La Thăng làm việc với lãnh đạo các cơ quan liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và
Đầu tư, Tài chính, GTVT; lãnh đạo các tỉnh, thành phố có tuyến đường bộ ven biển đi qua

Để triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao TEDI tập trung rà soát Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam theo Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt; thống nhất với các địa phương để điều chỉnh cho phù hợp trên tinh thần nguồn vốn đầu tư ít hơn, hiệu quả hơn, tuyến đường phải đi ngay sát biển để khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, tăng cường an ninh quốc phòng, góp phần bảo vệ chủ quyền vững chắc của đất nước; ngoài ra, phải phù hợp với điều kiện thủy hải văn, kết hợp xử lý biến đổi khí hậu và nước biển dâng; kết hợp với hệ thống đê biển.

“Tuyến đường này phải được hình thành trên cơ sở tận dụng tối đa các tuyến đường, cầu hiện có, kết hợp việc đầu tư mới, kết nối thuận lợi với mạng lưới giao thông, phù hợp với quy hoạch của từng địa phương và quy hoạch vùng trong cả nước” - Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng khẳng định, đây không phải là tuyến trục dọc quốc gia, quy mô đầu tư phải phù hợp với từng đoạn, không nhất thiết phải đồng bộ trên toàn tuyến, không đồng nhất phân kỳ đầu tư.

Bộ trưởng cũng cho biết, theo Quyết định số 129/QĐ-TTg và Luật Ngân sách, Bộ GTVT là chủ đầu tư các tuyến quốc lộ đi trùng tuyến đường ven biển, địa phương tiếp tục là chủ đầu tư các tuyến mới.

Đây là dự án hết sức cần thiết, Bộ trưởng đề nghị các địa phương phối hợp với TEDI triển khai các bước lập, phê duyệt chủ trương đầu tư các đoạn tuyến đường ven biển trên địa bàn; có văn bản lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15/8 để Bộ GTVT tổng hợp, trình Chính phủ xem xét phê duyệt đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện đầu tư dự án.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển có ý nghĩ rất lớn trong việc phát triển
kinh tế - xã hội, kinh tế biển, du lịch, dịch vụ, an ninh quốc phòng của mỗi địa phương

Trước đó, ngày 18/1/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 129/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam; đồng thời yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trên phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, lập, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư xây dựng đối với các đoạn tuyến trên địa bàn.

Theo Quyết định số 129/QĐ-TTg, tuyến đường bắt đầu tại Quảng Ninh tới Kiên Giang với tổng chiều dài 3.041km. Quy mô: Vùng ven biển miền Bắc (từ Quảng Ninh - Ninh Bình), Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa - Quảng Trị), miền Trung (từ Thừa Thiên Huế - Bình Định) là đường cấp III; vùng Nam Trung Bộ (từ Phú Yên - Bình Thuận), Đông Nam Bộ (từ Vũng Tàu - TPHCM), vùng Tây Nam Bộ (từ Tiền Giang - Kiên Giang) là đường cấp IV.

Dự kiến đầu tư giai đoạn đến 2020 sẽ xây dựng mới, nâng cấp cải tạo khoảng 892km; giai đoạn sau năm 2020 xây dựng mới, nâng cấp cải tạo khoảng 1.058km; với tổng nhu cầu vốn khoảng 28.132 tỷ đồng, được huy động từ nguồn ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn khác.

Ngày 23/6/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã ký Văn bản số 878/TTg-KTN về việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, trong đó giao Bộ GTVT phối hợp với 06 tỉnh trên để triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển này.

VH