Bộ GTVT chủ động thanh tra hàng loạt dự án BOT

Ngày 05/08/2015
Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa chỉ đạo Thanh tra Bộ GTVT tiến hành thanh tra hàng loạt các dự án BOT tại các dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để kịp thời phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm (nếu có).

“Điểm danh”các dự án thanh tra

Theo Quyết định số 2778 do Bộ trưởng Đinh La Thăng ký chiều qua (4/8), Thanh tra Bộ GTVT được giao chủ trì phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Vụ Khoa học công nghệ và các cơ quan liên quan chủ động tiến hành kiểm tra đối với tất cả các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (hợp đồng BOT, BT) do Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa được tiến hành thanh tra, kiểm toán.

Pháp Vân - Cầu Giẽ là một trong những dự án BOT sẽ được thanh tra

Pháp Vân - Cầu Giẽ là một trong những dự án BOT sẽ được thanh tra

Đối với Dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (hợp đồng BOT), Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Thanh tra Bộ GTVT thực hiện thanh tra ngay trong tháng 8. Trước đó, vào tháng 6, Bộ trưởng đã giao Thanh tra Bộ GTVT khẩn trương bổ sung điều chỉnh kế hoạch và tiến hành thanh tra đối với 6 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên nhằm kịp thời phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm (nếu có).

Theo quyết định, các dự án bổ sung vào kế hoạch thanh tra gồm: Dự án mở rộng QL1 đoạn Km 791A+500 - Km 848+875 tỉnh Thừa Thiên Huế; đoạn Km 1525 - Km 1589+300 tỉnh Ninh Thuận. Dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km 542 - Km 607+850; đoạn từ Pleiku đến cầu 110; đoạn Km 687+734 - Km 704 tỉnh Đắk Lắk; Km 734+600 - Km 765 tỉnh Đắk Nông; đoạn Km 921+025 - Km 962+331 tỉnh Bình Phước.

Đối với các dự án trên QL1, có 22 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư, trong đó Hà Nội - Cần Thơ có 20 dự án, Hà Nội - Lạng Sơn có hai dự án. Các cơ quan kiểm toán, thanh tra đã xây dựng kế hoạch kiểm toán, thanh tra đối với 19/22 dự án. Ba dự án chưa nằm trong kế hoạch thanh tra do vừa khởi công.

Với các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên có 4 dự án. Thanh tra Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2015 đối với tất cả các dự án này. Như vậy, đến nay, cơ bản các dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên đã nằm trong kế hoạch và đang được tiến hành thanh tra.

Đối với các dự án mở rộng QL1 bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ hiện đang thực hiện 20 dự án. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán 5 dự án. Thanh tra Bộ Tài chính thanh tra 10 dự án. Đối với 5 dự án còn lại, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã có Quyết định số 2047 bổ sung kế hoạch và giao Thanh tra Bộ GTVT khẩn trương thanh tra.

Chủ động vào cuộc, kịp thời phát hiện sai phạm nếu có

Trước đó, tại cuộc họp của Ban Cán sự Đảng bộ ngày 3/8, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Thanh tra Bộ GTVT phải chủ động vào cuộc, thanh tra giúp Bộ, giúp nhà đầu tư phát hiện những sai phạm để khắc phục sửa chữa.

“Thanh tra Chính phủ đang vào cuộc nhưng đấy là thanh tra thường kỳ, thanh tra bình thường theo kế hoạch. Thanh tra của Bộ GTVT phải chủ động phần việc của mình trong việc thanh tra các dự án BOT đã và đang triển khai để kịp thời phát hiện sai phạm (nếu có)”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (Ban PPP) cho biết, hiện Bộ đang chỉ đạo triển khai 57 dự án với tổng số vốn hơn 194 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 53 dự án đường bộ, một dự án đường thủy nội địa, hai dự án hàng hải và một dự án lĩnh vực đào tạo.

7 tháng đầu năm 2015, Bộ GTVT đã tổ chức động thổ 12 dự án với tổng số vốn huy động hơn 39.300 tỷ đồng. Hiện, Bộ đang chỉ đạo nghiên cứu triển khai 63 dự án, gồm 44 dự án đường bộ (trong đó có 10 dự án đường cao tốc), 7 dự án hàng không, 6 dự án đường thủy nội địa, bốn dự án đường sắt và hai dự án hàng hải. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2015 có thể động thổ được 6 dự án với tổng mức đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng.

Liên quan đến việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP, khẳng định Bộ GTVT đã rất nỗ lực để huy động các nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng lưu ý các cơ quan chức năng phải đảm bảo chặt chẽ các thủ tục theo đúng quy định pháp luật.

“Chúng ta phải làm chặt chẽ, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật nhưng đồng thời phải tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu rằng không thể mãi trông chờ vào ngân sách, vốn Trái phiếu Chính phủ hay vốn ODA để đầu tư cho hạ tầng”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, nếu không có BOT, làm gì có cao tốc Nội Bài - Lào Cai, làm gì có Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, làm gì có Sài Gòn - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, hay cầu Cổ Chiên, Rạch Miễu, Phú Mỹ… Cùng đó, hàng loạt dự án trên đường HCM, QL1 mà nếu không có BOT cũng không thể xong được.

Khẳng định các nhà đầu tư phải rất dũng cảm mới dám tham gia các dự án BOT, Bộ trưởng Đinh La Thăng phân tích, thời gian dự án rất dài, vốn đầu tư lớn, rủi ro không lường trước được. “Vừa rồi có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các dự án, tích cực có, tiêu cực có. Trách nhiệm của Bộ GTVT là phải hoàn chỉnh đầy đủ thủ tục theo đúng quy định, tuyên truyền cho người dân hiểu được việc này là cần thiết”, Bộ trưởng nói, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các dự án BOT, công khai minh bạch các dự án đang triển khai và chuẩn bị triển khai cũng như các dự án đã đưa vào sử dụng. Ban PPP phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, các ngân hàng, các nhà đầu tư rà soát lại các dự án đảm bảo đủ khả năng trả nợ, hiệu quả tài chính mới triển khai.

Nhấn mạnh phải tiếp tục công khai, minh bạch các dự án kêu gọi xã hội hoá, Bộ trưởng cũng lưu ý phải chuyển hướng tìm các nguồn vốn vay từ quỹ đầu tư nước ngoài, các ngân hàng nước ngoài. “Chúng ta đang dựa vào ngân hàng trong nước quá nhiều. Trong khi đó, ngân hàng trong nước còn nhiều lĩnh vực phải lo như xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp và phát triển nông thôn”, Bộ trưởng lưu ý.

Ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (Ban PPP) cho biết, hiện Bộ đang chỉ đạo triển khai 57 dự án với tổng số vốn hơn 194 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 53 dự án đường bộ, một dự án đường thủy nội địa, hai dự án hàng hải và một dự án lĩnh vực đào tạo.

7 tháng đầu năm 2015, Bộ GTVT đã tổ chức động thổ 12 dự án với tổng số vốn huy động hơn 39.300 tỷ đồng. Hiện, Bộ đang chỉ đạo nghiên cứu triển khai 63 dự án, gồm 44 dự án đường bộ (trong đó có 10 dự án đường cao tốc), 7 dự án hàng không, 6 dự án đường thủy nội địa, bốn dự án đường sắt và hai dự án hàng hải. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2015 có thể động thổ được 6 dự án với tổng mức đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng.

Nguồn: Báo Giao thông