Dự án ODA: Rộng cửa cho doanh nghiệp Việt

Ngày 05/08/2015
Trong hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam, có lẽ Giao thông vận tải là ngành sử dụng vốn ODA sớm nhất và nhiều nhất, bởi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông luôn đi trước một bước làm nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế trong nước phát triển.

Tuy nhiên, lĩnh vực này đòi hỏi một lượng vốn đầu tư rất lớn mà nếu chỉ tập trung huy động trong nước thì không thể đáp ứng được nhu cầu. Do đó, ODA trở thành nguồn vốn bổ sung hết sức quan trọng cho ngân sách nhà nước, nguồn vốn từ bên ngoài quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển, giúp cho việc tiếp thu những thành tựu khoa học-công nghệ hiện đại và phát triển nguồn nhân lực cũng như tăng sức hút dòng vốn FDI.

Ngày 18/7/2015, VEC tổ chức Lễ động thổ Gói thầu xây lắp J3: Cầu Phước Khánh Dự án đường cao tốc  Bến Lức - Long Thành (phần vốn JICA tài trợ). Liên danh Sumitomo - Cienco4 trúng thầu thông qua đấu thầu quốc tế rộng rãi

Ngày 18/7/2015, VEC tổ chức Lễ động thổ Gói thầu xây lắp J3: Cầu Phước Khánh Dự án đường cao tốc
Bến Lức - Long Thành (JICA tài trợ). Liên danh Sumitomo - Cienco4 trúng thầu thông qua đấu thầu quốc tế rộng rãi

Không khó để tham gia các dự án ODA

Theo Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Mai Tuấn Anh, hiện nay, với các dự án sử dụng vốn ODA Nhật Bản nói chung và các dự án do VEC làm Chủ đầu tư nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam đều có thể tham gia khi doanh nghiệp đáp ứng được năng lực về tài chính, kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu của dự án.

Tại các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc của VEC, điển hình như Dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, các doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm các Nhà thầu thuộc Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, các Nhà thầu tư nhân) đã tham gia thực hiện 05/08 gói thầu xây lắp phần vốn JICA. Ở Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đối với hợp phần JICA tài trợ, các doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm các Nhà thầu thuộc Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, các Nhà thầu tư nhân) tham gia thi công 07/08 gói thầu xây lắp; gói còn lại do liên danh nhà thầu Việt Nam và Tây Ban Nha thực hiện. Hay như Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, đối với 03 gói thầu sử dụng phần vốn STEP của JICA, các doanh nghiệp Việt Nam (gồm các Nhà thầu thuộc Bộ GTVT và Bộ Xây dựng) đều góp mặt cùng với các Nhà thầu Nhật Bản trong các liên danh trúng thầu.

Tại các dự án nói trên, việc lựa chọn nhà thầu thi công đều được thực hiện chặt chẽ thông qua thủ tục đấu thầu cạnh tranh quốc tế. Như vậy, sự có mặt của các doanh nghiệp Việt Nam vào các dự án sử dụng vốn ODA Nhật Bản là ngày càng nhiều và tích cực.

Đối với các dự án mà Nhà thầu Việt Nam tham gia trong liên danh với Nhà thầu quốc tế, đặc biệt là tại các gói thầu có yêu cầu công nghệ đặc biệt, tiên tiến, các doanh nghiệp Việt Nam đều nhận được sự chuyển giao công nghệ tích cực, qua đó các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao được năng lực về công nghệ và quản lý thi công.

Trước đây, do bị hạn chế về năng lực tài chính và kinh nghiệm để tham gia đấu thầu, các doanh nghiệp Việt Nam thường tham gia thầu phụ cho các doanh nghiệp quốc tế. Nhưng nay, sau nhiều năm tham gia các dự án ODA, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có đủ năng lực để tham gia các gói thầu lớn thực hiện theo thủ tục đấu thầu cạnh tranh quốc tế và đã trúng thầu với tư cách là nhà thầu độc lập hoặc trong liên danh với các nhà thầu quốc tế. Việc tham gia các dự án ODA của các doanh nghiệp Việt Nam không gặp bất kỳ trở ngại nào miễn là doanh nghiệp đáp ứng được năng lực về tài chính, kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu của dự án.

Cạnh tranh sòng phẳng khi tham gia “sàn đấu” quốc tế

Trước khi tham gia vào các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu thật kỹ những quy trình thủ tục của nhà tài trợ, thông lệ quốc tế; tích cực chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm để có thể tham gia đấu thầu cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu quốc tế khác.

Tổng giám đốc VEC Mai Tuấn Anh cũng chỉ rõ, nhiều quan điểm vẫn cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào các dự án ODA cũng chỉ “gặm” phần xương là không phản ánh đúng thực tế. Hiện nay, các dự án ODA đều đòi hỏi các quy trình chọn lựa nhà thầu nghiêm ngặt theo thủ tục đấu thầu cạnh tranh quốc tế (đối với các gói thầu có quy mô lớn) và thủ tục đấu thầu cạnh tranh trong nước (đối với các gói thầu quy mô nhỏ). Trên thực tế, nhiều nhà thầu Việt Nam đã tham gia đấu thầu cạnh tranh sòng phẳng và trúng thầu các gói thầu có giá trị trên 100 triệu USD (Nhà thầu CIENCO4 tại Gói thầu 9 Dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây). Trong các liên danh trúng thầu giữa nhà thầu Việt Nam và nhà thầu Nhật Bản tại Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, các nhà thầu Việt Nam như VINACONEX E&C, CIENCO4 đều tham gia thực hiện với tỷ lệ đáng kể trong liên danh.

“Qua triển khai các dự án ODA của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, có thể thấy, việc tham gia của các doanh nghiệp Việt vào những dự án này ngày càng nhiều và ở thế chủ động, thể hiện sự trưởng thành về mọi mặt của doanh nghiệp Việt” – Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh nhận định.

Tầm quan trọng của ODA đối với phát triển kinh tế Việt Nam: Là nguồn bổ sung vốn quan trọng cho đầu tư phát triển; Giúp cho việc tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại và phát triển nguồn nhân lực - Đây là lợi ích căn bản, lâu dài đối với Việt Nam; Giúp cho việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế nước nhà; Góp phần tăng khả năng thu hút FDI và tạo điều kiện để mở rộng đầu tư phát triển.

VEC