Truông Bồn chứng tích xưa, tấm lòng hôm nay

Ngày 07/08/2015
Hôm nay (7/8), công trình tôn tạo Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) chính thức khánh thành. Đây không chỉ là công trình lịch sử nhiều ý nghĩa mà còn là biểu tượng cho lòng biết ơn, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của lớp lớp cán bộ, công nhân viên trong và ngoài ngành GTVT đối với những liệt sỹ TNXP dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm…


Sau gần 5 năm triển khai, đến nay Dự án xây dựng, tôn tạo Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn
đã hoàn thành với sự đóng góp tích cực của cán bộ công nhân viên ngành GTVT

 

Lịch sử hào hùng nơi trọng điểm giao thông

Truông Bồn là một đoạn đèo dốc có độ dài khoảng 5 km, độ cao gần 70 m, trên dãy núi Thung Nưa có đỉnh cao nhất là 450 m so với mực nước biển, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A, hay còn gọi là đường 30, chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương. Cách đây 47 năm, trọng điểm giao thông có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng này là “tuyến đường độc đạo” nối liền mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam. Đế quốc Mỹ đã trút xuống nơi đây 18.936 quả bom các loại và hàng chục nghìn quả tên lửa, tàn phá nhiều làng mạc dọc tuyến đường.

Trong những năm tháng ấy, 1.500 cán bộ, chiến sĩ của 9 Đại đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An vẫn ngày đêm bám trụ và chiến đấu ngoan cường với tinh thần và quyết tâm sắt đá “Sống bám cầu, bám đường - Chết kiên cường, dũng cảm”, “Đường chưa thông không tiếc máu xương”. Đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, TNXP, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ đã bị thương; 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ sự thông suốt cho tuyến đường. Đặc biệt là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 13 chiến sĩ được mệnh danh là “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử” thuộc Đại đội TNXP 317 ngày 31/10/1968.

Biểu tượng bất tử

Nhằm tái hiện lại lịch sử hào hùng của dân tộc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và lòng biết ơn đối với thế hệ đi trước, năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An đã tiến hành lập Dự án đầu tư xây dựng công trình: Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, do gặp khó khăn về nguồn vốn nên dự án liên tục bị đình hoãn.

Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết: Đối với ngành GTVT, Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn không đơn thuần là công trình lịch sử mà còn là biểu tượng bất tử của ngành GTVT về tinh thần lao động, chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để đảm bảo sự thông suốt của mạch máu giao thông trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Việc tôn tạo lại quần thể Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn là việc làm rất cần thiết để thế hệ trẻ ghi nhớ sự hy sinh anh dũng, chiến thắng vẻ vang của quân, dân và lực lượng TNXP tại Truông Bồn.

* Tối 7/8, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn diễn ra chương trình tri ân với tên gọi “Truông Bồn - Tráng ca bất tử”. Lễ khánh thành công trình Bảo tồn tôn tạo Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn sẽ được Đài THVN tường thuật trực tiếp vào lúc 20h10 trên kênh VTV1.

* Sáng 8/8, Sở GTVT Nghệ An sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành GTVT Nghệ An và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn được xây dựng trên diện tích 22 ha với nhiều cụm công trình quy mô lớn, kéo dài theo trục đường 15A huyền thoại. Ngoài một số hạng mục chính như: Nhà che mộ 13 liệt sỹ, Khu tưởng niệm, khu quảng trường, Đài chiến thắng, tháp chuông còn có nhiều công trình phụ trợ khác làm nên cảnh quan tổng thể của khu di tích.

Gây ấn tượng mạnh nhất đối với khách tham quan chính là khu Đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Truông Bồn. Đây là công trình văn hóa nghệ thuật nhiều màu sắc, vừa để tưởng niệm ghi nhớ, vinh danh các anh hùng liệt sỹ trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước trên mặt trận giao thông vận tải vô cùng gian khổ, ác liệt; vừa là điểm nhấn văn hóa du lịch tâm linh, thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm ngưỡng và hành lễ.

Ở công trình này có một đài hương gồm ba cây hương được làm từ đá xanh nguyên khối cao 27 m, đường kính hơn 1m, bên trên có những áng mây phủ đồng tượng trưng cho những nén tâm nhang gửi đến những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Truông Bồn. Phía sau đài hương là bức phù điêu lớn với nhiều họa tiết được chạm khắc tinh xảo, tái hiện hình ảnh cuộc sống, quá trình lao động, chiến đấu đảm bảo giao thông của các cán bộ, chiến sĩ và TNXP trên tuyến đường. Phần chính giữa bức phù điêu là Bia ghi danh 1.240 liệt sỹ hy sinh tại Truông Bồn. Xung quanh Đài tưởng niệm là hai nhóm tượng và 6 trụ huyền thoại khắc tạc hình ảnh mang tính biểu tượng cho tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của lực lượng TNXP nơi đây.

Chung tay xây dựng Truông Bồn

Nhấn mạnh vai trò của ngành GTVT trong quá trình huy động nguồn vốn xây dựng Truông Bồn, người đứng đầu Sở GTVT Nghệ An khẳng định: Để có được Truông Bồn như hôm nay, trước hết phải cảm ơn Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, người đầu tiên khởi xướng phong trào tri ân đối với lực lượng TNXP trong ngành GTVT, cũng là người đứng ra kêu gọi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội chung tay xây dựng Truông Bồn.

Đến nay, sau ba năm, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Đinh La Thăng, các cán bộ, công nhân viên, các doanh nghiệp trong và ngoài ngành GTVT đã quyên góp được số tiền trên 60 tỷ đồng để Nghệ An tái khởi động triển khai dự án. “Chưa khi nào công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thế hệ các cựu TNXP trong hai cuộc kháng chiến lại trở thành phong trào sâu rộng trong toàn ngành. Tất cả cơ quan, đơn vị trong ngành đều dành nguồn kinh phí nhất định để ủng hộ những cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ xây dựng Truông Bồn. Mỗi người lao động trong ngành cũng dành ra những ngày lương, ngày công lao động của mình để chung tay xây dựng Truông Bồn” ông Nguyễn Hồng Kỳ chia sẻ.

Lãnh đạo Sở GTVT Nghệ An cũng cho biết, ngoài sự chung tay đóng góp của ngành GTVT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trong quá trình triển khai thực hiện, dự án đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí kịp thời từ các doanh nghiệp, tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Có những tổ chức tài trợ nhiều lần với số tiền lớn như Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tài trợ gần 20 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tài trợ gần 30 tỷ đồng xây dựng các hạng mục công trình quan trọng của Khu di tích như Đài tưởng niệm, nhà thờ. 

Nguồn: baogiaothong.vn