Chủ động ứng khó, khắc phục hậu quả mưa lũ

Ngày 11/08/2015
Chiều 11/8, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp nghe Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn báo cáo về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ (từ ngày 25/7 đến 09/8/2015) trên địa bàn các tỉnh Đông Bắc - Tây Bắc.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, do mưa lớn dài ngày trên diện rộng từ ngày 25/7 đến 04/8/2015, ảnh hưởng lớn đến tính mạng và tài sản của nhân dân sinh sống trong khu vực. Nhiều tuyến quốc lộ, đường địa phương đã xảy ra hiện tượng ngập, úng, sụt lở ta luy dương, ta luy âm với khối lượng lớn, có rất nhiều vị trí xảy ra sụt lờ làm đất đá lấp phủ toàn bộ nền, mặt đường, lún sụt và đứt đường gây ách tắc giao thông của 13 tỉnh khu vực phía Bắc; trong đó các tỉnh bị thiệt hại nặng nề là Quảng Ninh, Điện Biên, Lạng Sơn, Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng; các tuyến QL bị hư hỏng nhiều là QL18, QL6, QL12, QL4A, QL4H, QL4G, QL3B, QL34, QL279.

ông Nguyễn Hoàng Huyến - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Ông Nguyễn Hoàng Huyến - Phó trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT&TKCN báo cáo tại cuộc họp

Về giải pháp đảm bảo giao thông và khắc phục hậu quả, ông Nguyễn Hoàng Huyến - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh nhanh chóng khắc phục đảm bảo giao thông bước 1 và đề xuất ngay phương án khắc phục bước 2 đối với các vị trí có nguy cơ mất ổn định công trình đường bộ khi có bão lũ tiếp theo, trên các QL báo cáo Bộ.

“Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp, phê duyệt khối lượng và kinh phí thực tế khắc phục thiệt hại trên các tuyến QL địa bàn tỉnh Đông Bắc - Tây Bắc, báo cáo Bộ giải quyết kịp thời. Kinh phi hỗ trợ địa phương để khắc phục hậu quá, giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương đề xuất, trên cơ sở hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố (theo khối lượng thực tế) trên các trục giao thông chính” - ông Nguyễn Hoàng Huyến cho biết.

Nhấn mạnh việc khắc phục hậu quả mưa lũ là rất cần thiết, bảo đảm việc đi lại của nhân dân, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu phải phân cấp rõ trách nhiệm đường quốc lộ là trách nhiệm của trung ương, đường địa phương (gồm đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị…) là trách nhiệm của địa phương. Việc kiểm đếm thiệt hại phải chính xác, mặc dù có những chỗ phải cấp tốc để thông xe nhưng phải đảm bảo tránh được thất thoát, tránh được lãng phí, tiêu cực.

Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng với Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương rà soát lại toàn bộ thiệt hại do mưa lũ, khối lượng đảm bảo thông xe phải có xác nhận theo quy định của địa phương, đúng quy định của pháp luật.

 tại Km 135 (TP Cẩm Phả - Quảng Ninh):

Tuyến đường tại Km 135 (TP Cẩm Phả - Quảng Ninh) ngập sâu trong đợt mua lũ vừa qua. Ảnh Báo Giao thông

Bộ trưởng cũng yêu cầu sau khi thực hiện đủ thủ tục, theo đúng quy định pháp luật thì mới thực hiện thanh toán, bảo đảm giao thông (thông xe); phải rà soát lại toàn bộ các tuyến đường, trong đó đường quốc lộ hỏng thì phải tiến hành sửa chữa, trường hợp không phải do bão lũ thì định kỳ cũng phải sửa chữa.

“Việc sửa chữa phải thực đúng theo tinh thần của bảo trì sửa chữa, chứ không phải đầu tư xây dựng cơ bản mới, đầu xây dựng cơ bản mới thì phải gắn với các dự án đầu tư mới, ở đâu có dự án đang làm rồi thì yêu cầu làm bổ sung vào khối lượng chính xác, đúng quy định chứ không được sử dụng quỹ bảo trì” - Bộ trưởng lưu ý.

Đối với đường địa phương, Bộ trưởng cho biết Bộ GTVT sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ đề nghị hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương để khắc phục hậu quả mưa lũ. Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu kinh phí hỗ trợ sửa chữa các tuyến đường, khắc phục hậu quả mưa lũ phải chặt chẽ, theo đúng quy trình nhằm tránh thất thoát, tránh lãng phí.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ động rà soát các vị trí có nguy cơ mất ổn định cao; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiến hành triển khai công tác khắc phục đảm bảo khai thác các tuyến đường được an toàn, thông suốt.

X. Nguyên