Mệnh lệnh đó được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đặt ra cho các Nhà thầu thi công các Gói thầu số 1, 2, 3A, 3B, 4, 5, 6, 7, A1, A2, A3, A4 và A5 Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, nhằm chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho con người và các hạng mục công trình đã và đang thi công của Dự án.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải thị sát tiến độ
triển khai Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (01/7/2015)
Theo đó, trước ngày 05/10/2015, các Nhà thầu phải hoàn thành việc khơi thông và hoàn trả dòng chảy để đảm bảo khả năng thoát lũ khi có mưa lớn xảy ra đối với các công trình cầu, cống đang thi công, các công trình cầu tạm và cống thoát nước tạm.
Cụ thể: Các bãi đúc cấu kiện (bãi đúc dầm, bãi đúc ống cống...) nằm trong khu vực dòng chảy thoát lũ có nguy cơ mất an toàn phải di dời ngay. Sau khi di dời, Nhà thầu phải thi công san gạt tạo mặt bằng và di dời các vật cản để đảm bảo khả năng thoát lũ tốt nhất.
Những công trình cầu cống đã thi công xong, Nhà thầu phải thực hiện ngay công tác khơi thông dòng chảy, tạo kết nối thông thoáng với hệ thống kênh mương thoát nước trong khu vực để đảm bảo khả năng thoát lũ cho công trình.
Có biện pháp gia cố, biện pháp thoát nước cho các khu vực có nền đường đắp cao, những vị trí xung yếu nằm gần dòng chảy thoát lũ và dễ xảy ra hiện tượng xạt lở mái ta luy gây trôi đất đá xuống khu vực có nhà dân sinh sống hoặc các khu vực sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Do bãi đúc dầm cầu ORB04 (Gói thầu số 4) nằm hoàn toàn trong khu vực dòng chảy thoát lũ của công trình cầu, do vậy Nhà thầu phải di chuyển ngay bãi đúc dầm và các cấu kiện ra khỏi khu vực dòng chảy thoát lũ, san gạt tạo phẳng để đảm bảo khả năng thoát lũ trong trường hợp mưa lớn xảy ra.
VEC cũng cho biết, những Nhà thầu bị buộc phải dừng thi công để thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn, phòng chống lụt bão phải chịu hoàn toàn trách nhiệm do việc chậm trễ tiến độ thi công.
VEC