Khuyến khích phát triển GTVT đường thủy nội địa

Ngày 08/10/2015
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa gồm cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phương tiện thủy nội địa; hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải và dịch vụ vận tải thủy nội địa...

Cụ thể, về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phương tiện thủy nội địa, sẽ miễn lệ phí trước bạ đối với phương tiện thủy nội địa chở khách tốc độ cao và phương tiện thủy nội địa vận tải container.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư đóng mới phương tiện thủy nội địa đẩy, kéo có trọng tải 1.500 tấn và công suất máy 250 sức ngựa trở lên; phương tiện thủy nội địa tự hành và phương tiện thủy nội địa chuyên dụng có trọng tải 800 tấn trở lên vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa, phù hợp với điều kiện khai thác của tuyến đường thủy nội địa; hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với việc đóng mới phương tiện thủy chở khách ngang sông tại những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, chưa có điều kiện phát triển hình thức giao thông khác.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải và dịch vụ vận tải thủy nội địa, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương sẽ trợ giá hoặc hỗ trợ chi phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy nội địa; miễn tiền vé đối với trẻ em dưới 6 tuổi; giảm giá vé đối với người có công với Cách mạng, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi, học sinh, sinh viên là công dân Việt Nam.

Ngoài ra, Nhà nước cũng hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, hướng dẫn người điều khiển phương tiện thủy nội địa thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Để được hưởng các cơ chế, chính sách trên, các doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật. Các dự án về đầu tư phương tiện thủy nội địa, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải có quy hoạch được duyệt.

Quyết định cũng nêu rõ, trong trường hợp cùng thời gian, một số nội dung có nhiều chính sách hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác nhau thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng một chính sách hỗ trợ có lợi nhất.

Được biết, mặc dù có nhiều lợi thế nhưng vận tải đường thủy nội địa chưa phát huy, do cơ sở hạ tầng chủ yếu vẫn lợi dụng điều kiện tự nhiên. Hoạt động vận tải thủy nội địa đã được xã hội hóa, tuy nhiên quy mô tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh vận tải thủy còn manh mún. Để triển khai các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật Đầu tư năm 2014, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa là cần thiết.
 

Nguồn: chinhphu.vn