Ứng dụng công nghệ và vật liệu mới trong xây dựng kết cấu áo đường mềm

Ngày 15/10/2015
Đây là nội dung của Hội thảo “Một số vấn đề về ứng dụng công nghệ và vật liệu mới trong xây dựng kết cấu áo đường mềm tại Việt Nam” do Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, sáng nay (15/10).

Hội thảo thu hút trên 120 cán bộ kỹ thuật và nghiên cứu khoa học đến từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngoài ngành GTVT và Hội cầu đường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam với 20 báo cáo đăng ký tham luận, Ban Tổ chức đã bố trí 8 báo cáo trình bày trực tiếp tại Hội thảo.

Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam Ngô Thịnh Đức phát biểu tại Hội thảo

Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam Ngô Thịnh Đức phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Thịnh Đức - Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho biết, mục đích của Hội thảo là nghe các báo cáo, trao đổi thông tin về ứng dụng công nghệ và vật liệu mới trong xây dựng kết cấu áo đường mềm, những vấn đề qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn vệt hằn lún bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa tại Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu, giải pháp khắc phục trước mắt, cũng như hướng giải quyết về cơ bản và lâu dài phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta.

Ông Ngô Thịnh Đức cũng cho biết, việc nghiên cứu ứng dụng thiết kế hỗn hợp bê tông nhựa theo phương pháp Superpave tại Việt Nam đã được Bộ GTVT quyết định là một Đề án nghiên cứu và giao cho Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan của Bộ hoàn thiện đề cương, dự toán để triển khai. Sau Hội thảo này, trong năm 2016, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan tổ chức các hội thảo liên quan đến cầu, đường bộ Việt Nam.

Ông PHạm Quang Vinh

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phạm Quang Vinh
mong rằng qua Hội thảo sẽ có nhiều ý kiến tâm huyết, đưa ra các giải pháp tích cực,
hiệu quả trong công tác xây dựng, quản lý khai thác kết cấu mặt đường tại Việt Nam

Theo ông Phạm Quang Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ngành GTVT đã và đang thực hiện nhiều chiến lược, chính sách về phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trên thực tế, ngành GTVT, đặc biệt là kết cấu hạ tầng GTVT đã từng bước đáp ứng nhu cầu, tạo được sự kết nối giữa các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

“Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu phát triển, các đơn vị đã triển khai cải tạo, mở rộng các tuyến quốc lộ, đặc biệt là QL1, QL14 được đầu tư với nguồn kinh phí lớn, tuy nhiên trong các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ đã xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, một số tuyến giảm tuổi thọ khai thác, mặc dù công tác kiểm soát xe quá tải trọng đã được tăng cường, xử lý nghiêm, nhưng sự hoạt động lén lút của các xe quá tải vẫn còn diễn ra” - ông Phạm Quang Vinh cho biết.  

Để giải quyết vấn đề này, ông Phạm Quang Vinh khẳng định, Hội thảo một số vấn đề về ứng dụng công nghệ và vật liệu mới trong xây dựng kết cấu áo đường mềm tại Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết của ngành GTVT hiện nay. Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang triển khai xây dựng hệ thống quản lý tài sản đường bộ nói chung và hệ thống hệ thống mặt đường nói riêng theo mô hình của Nhật Bản, đã được áp dụng ở Cục Quản lý đường bộ 1 (hiện đang nghiên cứu áp dụng Cục Quản lý đường bộ 2, 3, 4…) và khá phù hợp với điều kiện quản lý, khai thác ở Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ và vật liệu mới trong xây dựng kết cấu áo đường mềm. Ảnh minh họa

Thay mặt Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Phạm Quang Vinh hoan nghênh và đánh giá cao Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam đã đề xuất tổ chức Hội thảo này, đồng thời qua Hội thảo này, ông mong muốn có nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngoài ngành GTVT và Hội cầu đường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Hội, nhằm giúp ngành GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có giải pháp tích cực, hiệu quả trong công tác xây dựng, quản lý khai thác kết cấu mặt đường tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu nghe các báo cáo tham luận và được trình bày với tinh thần khách quan, cầu thị, thẳng thắn, cởi mở bao gồm các vấn đề chính về: phương pháp thiết kế mặt đường và vấn đề vệt hằn lún bánh xe; các đề xuất để bổ sung và chỉnh sửa tiêu chuẩn thiết kế kết cấu áo đường mềm; cần thúc đẩy chuyển đổi tiêu chuẩn đường bộ theo định hướng AASHTO; nghiên cứu thực nghiệm mô-đun đàn hồi E trong phòng thí nghiệm; nghiên cứu sản xuất vật liệu nhũ tương nhựa đường Polymer…; công tác kiểm soát chất lượng bê tông nhựa mặt đường Việt Nam; quản lý chất lượng thi công các lớp kết cấu áo đường mềm; nghiên cứu phát triển và ứng dụng hệ thống quản lý mặt đường mới ở Việt Nam…

Xuân Nguyên