Vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với các cơ quan, doanh nghiệp đầu mối, các địa phương liên quan để rà soát nhiệm vụ, kết quả triển khai Chỉ thị 23/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng, phân phối xăng sinh học E5, trong đó có mục tiêu nổi bật là đến cuối năm nay phải đạt tối thiểu 50% số lượng cửa hàng thuộc hệ thống phân phối tại 8 địa phương là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bà Rịa-Vũng Tàu bán xăng E5.
Đánh giá việc tuyên truyền sản xuất, tiêu thụ xăng sinh học đã đạt những kết quả tích cực trong thời gian đầu triển khai, đặc biệt là sau một thời gian khá dài sử dụng, loại xăng sinh học tại Việt Nam chưa xảy ra sự việc liên quan đến mất an toàn, chất lượng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo chủ trương tăng cường lưu thông, sử dụng xăng E5 theo đúng lộ trình mà Chính phủ đặt ra trong Quyết định số số 53/2012/QĐ-TTg.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, còn khoảng một tháng rưỡi nữa, mục tiêu 50% số cửa hàng
bán xăng E5 dù nhiều khó khăn nhưng vẫn có thể đạt được nếu có những biện pháp quyết liệt.
Nhấn mạnh ý nghĩa bảo vệ môi trường, an ninh năng lượng quốc gia và cải thiện đời sống cho người nông dân, Phó Thủ tướng lưu ý tới phương án lộ trình "mềm" có tính khuyến khích, thuyết phục và kêu gọi ý thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng nguồn nhiên liệu có nhiều ưu điểm này, nhưng cũng cần sự quyết đoán và kiên định các mục tiêu đã đặt ra.
"Còn một tháng rưỡi nữa, mục tiêu 50% số cửa hàng bán xăng E5 dù nhiều khó khăn nhưng vẫn có thể đạt được nếu có những biện pháp quyết liệt, cùng chính sách phù hợp hơn nữa", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Chỉ rõ những bất cập cần khắc phục, Phó Thủ tướng yêu cầu phải làm thay đổi mạnh mẽ hơn nữa nhận thức, kiên quyết trong các giải pháp để đạt mục tiêu đã định trong Chỉ thị 23 cũng như lộ trình triển khai trên toàn quốc trong Quyết định 53.
Về vấn đề sản xuất, Bộ Công thương làm việc với các đầu mối để tháo gỡ khó khăn về giá, về chi phí sản xuất, đảm bảo lợi ích các bên, nhưng cũng có sự ràng buộc để đảm bảo nguồn cung, tránh thiếu hụt xăng E5 trên thị trường bán lẻ.
Phó Thủ tướng giao các bộ, đơn vị đầu mối tiếp tục bám sát diễn biến trên thực tế, rà soát các lộ trình trong Quyết định 53 của Thủ tướng Chính phủ để có phương án triển khai phù hợp.
Hơn một tháng thực hiện Chỉ thị 23, các cơ quan, địa phương đã tích cực tuyên truyền, rà soát hoạt động các nhà máy nhiên liệu ethanol, hệ thống các cửa hàng bán lẻ. Kết quả được đánh giá là khả quan, nhưng cũng xuất hiện nhiều khó khăn nảy sinh.
Phản ánh từ các nhà sản xuất cho thấy đang khó khăn từ nguồn cung ethanol nhiên liệu. Hiện 2 nhà máy cung cấp chính, cũng như các nhà máy sản xuất E100 đều đang khó khăn trong vận hành sản xuất. Giá ethanol sản xuất trong nước còn cao, dẫn tới giá xăng E5 cao.
Còn từ các địa phương, TP. HCM cho biết, hiện mới chỉ có 13/514 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn bán xăng E5, sản lượng chiếm khoảng 4% tổng sản lượng xăng dầu của Thành phố. Tại TP. Cần Thơ cũng mới chỉ có 63/170 cửa hàng bán xăng E5. Trừ Quảng Ngãi có đặc thù riêng, tình hình tương tự ở các địa phương còn lại.
Tuy nhiên, các địa phương đều cho rằng, để mở rộng mạng lưới, đạt mục tiêu 50% số cửa hàng bán xăng E5 không khó, mà quan trọng là vấn đề nguồn hàng, cũng như sự hấp dẫn của loại nhiên liệu này đối với người tiêu dùng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất xăng cho rằng, với mức giá này, nhà sản xuất chưa thấy nhiều hấp dẫn so với giá thành. Hiện mới có 3 đơn vị có sản lượng tiêu thụ hơn 20.000 m3/tháng.
Các đại lý, chủ cửa hàng thì cho rằng, xăng E5 hao hụt cao; chi phí đầu tư, chuyển đổi, vệ sinh bồn bể, trụ bơm và thay đổi các bảng biểu… sẽ dẫn đến lợi nhuận không cao bằng hoặc hơn bán xăng Ron 92.