Khắc phục cơ bản hư hỏng QL1 qua miền Trung

Ngày 25/11/2015
Toàn tuyến Dự án QL1 miền Trung đảm bảo chất lượng bê tông nhựa, không xảy ra hiện tượng hằn lún vệt bánh xe.

anh 1. khac phuc hu hong QL1 K.Hoa

QL1 Khánh Hòa hoàn thành xử lý các vị trí hư hỏng cục bộ ngay từ ngày 19/11

QL1 qua Phú Yên, Khánh Hòa đã xử lý xong các hư hỏng cục bộ sau mưa lớn. Dự kiến cuối tháng 11, QL1 qua Bình Định cũng khắc phục triệt để các vị trí hư hỏng còn lại do ảnh hưởng thời tiết.

Hư hỏng nhỏ cũng phải khắc phục

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, toàn tuyến QL1 qua Phú Yên, Khánh Hòa không còn phát sinh các hư hỏng cục bộ. Các vị trí hư hỏng nhỏ được Ban QLDA 7 (đại diện chủ đầu tư 2 dự án TPCP, cơ quan QLNN có thẩm tra 2 dự án BOT Đèo Cả - Khánh Hòa, BOT 194 QL1 Khánh Hòa), Ban QLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư QL1 TPCP Phú Yên) chủ động phát hiện, khắc phục sửa chữa. Thống kê của 2 đơn vị này, dọc tuyến hơn 210km có khoảng 100 m2/hơn 4 triệu m2 bê tông nhựa (BTN), chiếm tỷ lệ rất nhỏ mặt đường phát sinh hư hỏng bong bật. Đến ngày 19/11, tất cả các vị trí này được Ban QLDA, nhà thầu xử lý triệt để.

“Chúng tôi theo dõi thường xuyên các vị trí đã xử lý, hiện không còn tái phát hư hỏng. Những vị trí khác, mặt đường BTN ổn định, không có dấu hiệu bất thường về chất lượng”, lãnh đạo Ban QLDA 7 nhấn mạnh.

Tại một số gói thầu phía Bắc Quy Nhơn (Bình Định), nhà thầu đang nỗ lực “canh thời tiết” để thảm lại BTN ở những vị trí hư hỏng. Lãnh đạo Ban QLDA đường HCM (đại diện chủ đầu tư dự án TPCP, cơ quan QLNN có thẩm quyền 2 dự án BOT QL1 Bình Định) cho hay, có khoảng 5.100 m2 phát sinh hư hỏng, đến ngày 26/11, đơn vị khắc phục gần 4.000 m2, số còn lại dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11. Tiến độ hoàn thành chậm do thời tiết trên địa bàn những ngày qua vẫn thất thường, mưa kéo dài.

Quan sát của PV, tại các vị trí xử lý, dù diện hư hỏng nhỏ nhưng Ban QLDA đường HCM chỉ đạo nhà thầu khoanh vùng, cắt xẻ mặt đường rộng để đảm bảo công địa thi công, xử lý dứt điểm. “Bất cứ hư hại nào dù nhỏ nhất, đơn vị cũng kiên quyết xử lý với tinh thần và trách nhiệm cao nhất. Vị trí hư hỏng nhỏ nhưng chúng tôi bắt buộc nhà thầu phải khắc phục, xử lý trên mặt đường lớn để đảm bảo chất lượng sau khi đã khắc phục”, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó tổng giám đốc Ban QLDA đường HCM nói.

Lưu thông êm thuận

Tại buổi trực tiếp kiểm tra toàn tuyến dự án QL1 miền Trung mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cùng đoàn công tác Bộ GTVT ghi nhận gần 400 km dọc QL1 từ Bình Định - Khánh Hòa cơ bản đảm bảo chất lượng bê tông nhựa, không xảy ra hiện tượng hằn lún vệt bánh xe. Một số vị trí hư hỏng, bong bật mặt đường chủ yếu trên các tuyến tránh QL1 (cũ), hoặc các vị trí cầu cũ (không xây mới, chỉ gia cố, thảm lại mặt đường bê tông nhựa- PV). Riêng hư hỏng cục bộ tại các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đã cơ bản khắc phục xong, lưu thông êm thuận.

Đặc thù các dự án QL1 này mới chỉ thông xe kỹ thuật, đang trong giai đoạn hoàn thành, xử lý các vấn đề kỹ thuật, dự kiến nghiệm thu đưa vào khai thác, thu phí (dự án BOT) dịp cuối năm 2015. Lãnh đạo các Ban QLDA đường HCM, Thăng Long, Ban QLDA 7 đều tái khẳng định: 100% kinh phí khắc phục, xử lý hư hỏng này do các nhà thầu “bỏ tiền túi” triển khai, không lấy tiền nhà nước.

Trao đổi với các cơ quan báo chí tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Trường thẳng thắn đánh giá các vị trí hư hỏng cục bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, xét trên tổng thể toàn tuyến dự án, diện tích hư hỏng chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 0,2%) và “đều nằm trong tầm kiểm soát chất lượng của các Ban QLDA, nhà đầu tư”.

Theo Thứ trưởng Trường, Bộ GTVT vừa đi khảo sát nắm tình hình trên toàn tuyến dự án QL1 cả nước ghi nhận có 2,34% diện tích mặt đường bị hư hỏng. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành GTVT kéo giảm tỷ lệ hư hỏng trước Nghị quyết của Quốc hội (từ 7% xuống dưới 3%- PV). Tại các dự án QL1 Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, con số này ở mức trên dưới 0,2%, và “không có dấu hiệu phát sinh trong thời gian vừa qua”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, để ngăn ngừa nguy cơ, cần xử lý hư hỏng ngay từ đầu triển khai QL1, Bộ GTVT gắn trách nhiệm các chủ thể vào từng dự án, tăng thời hạn bảo hành lên 4 năm.

Nếu nhà thầu nào làm ẩu, “ăn xổi” sẽ tự gánh hậu quả. Trước đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo dứt khoát không lấy tiền nhà nước để sửa chữa, khắc phục.

Với các dự án BOT sẽ không cho thu phí nếu không sửa chữa. Đặc biệt, nếu phát sinh hư hỏng trên 3%, Bộ chủ động mời các cơ quan thanh tra, pháp luật vào làm rõ, xử lý trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, các Ban QLDA sẽ “không được bố trí thêm việc”.

 

Nguồn: baogiaothong.vn