Phát triển giao thông công cộng bền vững: Ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ vận tải

Ngày 27/11/2015
Tại Hội thảo “Giao thông đô thị bền vững - Chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Thụy Điển” do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Bộ GTVT và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức ngày 25/11, TS. Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, một trong những giải pháp, chính sách nhằm phát triển giao thông công cộng bền vững tại Việt Nam đó là xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ vận tải.

TS. Trần Bảo Ngọc cho biết, hiện nay, hệ thống giao thông đô thị ở Việt Nam còn thiếu sự gắn kết giữa quy hoạch đô thị và giao thông đô thị. Chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển hệ thống giao thông công cộng mang tính bền vững, thể hiện cơ bản đó là thiếu quỹ đất dành cho giao thông. Tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa đảm bảo theo yêu cầu đối với sự phát triển giao thông công cộng bền vững.

Phát triển giao thông công cộng bền vững: Ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ vận tải

TS. Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải phát biểu tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm
giữa Việt Nam và Thụy Điển về giải pháp giao thông đô thị bền vững, chiều ngày 25/11

“Sự gia tăng nhanh các phương tiện giao thông, tập trung lớn tại các đô thị, nhất là đối với Hà Nội (có trên 5.570.000 phương tiện) và TP. Hồ Chí Minh (có khoảng 7.210.000 phương tiện); tốc độ tăng phương tiện cá nhân 12 - 15%/năm. Lòng đường, hè phố bị lấn chiếm sử dụng, thiếu quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ phương tiện. Vấn đề ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, điển hình là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có diễn biến phức tạp, công tác tổ chức giao thông đã có nhiều cố gắng song còn mang tính trước mắt” - TS. Trần Bảo Ngọc nêu rõ.

Về vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt, TS. Trần Bảo Ngọc thông tin, cả nước hiện có khoảng 10.000 phương tiện xe buýt; gần 500 tuyến xe buýt; vận hành 31.000 lượt xe/ngày; trong đó Hà Nội có 91 tuyến, 1.480 phương tiện, 11.500 lượt/ngày, năm 2015 dự kiến đạt 535 triệu lượt hành khách); TP. Hồ Chí Minh có 138 tuyến, 2.800 phương tiện, 17.000 lượt/ngày, năm 2015 dự kiến đạt 368 triệu lượt hành khách...; góp phần tích cực trong giảm ùn tắc giao thông và tăng cường bảo đảm trật tự ATGT.

Phát triển giao thông công cộng bền vững: Ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ vận tải

Hiện nay, cả nước hiện có khoảng 10.000 phương tiện xe buýt, góp phần
tích cực trong giảm ùn tắc giao thông và tăng cường bảo đảm trật tự ATGT.

Theo TS. Trần Bảo Ngọc, trong giai đoạn đến năm 2020, quỹ đất dành cho giao thông công cộng từ 16-26%. Tỷ lệ đảm nhận VTHKCC của Hà Nội đáp ứng khoảng 25% nhu cầu đi lại, trong đó đường sắt đô thị chiếm 2-3%; của TP. Hồ Chí Minh đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đi lại, trong đó đường sắt đô thị 4-5%. Kiểm soát sự phát triển của xe gắn máy, xe ô tô cá nhân, đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải VTHKCC với chi phí phù hợp.

Bên cạnh đó, hoàn thiện mạng lưới VTHKCC cộng bằng xe buýt và xe buýt nhanh trong các đô thị từ loại 1 trở lên. Phát triển phương tiện vận tải công cộng sức chứa nhỏ và xe taxi đảm bảo gom khách cho dịch vụ xe buýt và đường sắt đô thị. Tổ chức quản lý giao thông công cộng một cách khoa học, sử dụng công nghệ và các trang thiết bị hiện đại. Nâng cao tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện VTHKCC.

Phát triển giao thông công cộng bền vững: Ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ vận tải

Hiện cả nước có 52.000 phương tiện taxi, trong đó Hà Nội có 20.000 phương tiện,
120 triệu lượt hành khách/năm; TP. HCM có 10.000 phương tiện, 200 triệu lượt hành khách/năm

Để đạt mục tiêu trên, TS. Trần Bảo Ngọc cho rằng phải thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển VTHKCC bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển VTHKCC bằng xe buýt. Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thể chế về vận tải; tập trung đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng các công trình kết cấu hạ tầng cho dịch vụ hỗ trợ VTHKCC; xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ vận tải và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải.

Về giải pháp xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ vận tải, TS. Trần Bảo Ngọc nêu rõ phải xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động VTHKCC bằng xe buýt, giảm thiếu trợ giá từ Ngân sách nhà nước; thực hiện cơ chế đấu thầu các tuyến xe buýt trong mạng lưới VTHKCC theo quy định của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; đồng thời hoàn thiện cơ chế khuyến khích, ưu đãi cho hoạt động đầu tư phát triến vận tải và dịch vụ hỗ trợ VTHKCC; tập trung ưu đãi đầu tư phát triến xe buýt, đặc biệt là xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch.

Xuân Nguyên