Hà Nội ô nhiễm bụi trầm trọng
Hầu hết các vị trí nghiên cứu tại Hà Nội (ngoại trừ khu vực hồ Hoàn Kiếm) đã bị ô nhiễm bởi bụi TSP, PM10, Benzen. Một số vị trí khác có dấu hiệu ô nhiễm bởi NO2 và CO. Theo số liệu của Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường Việt Nam, tại nhiều nút giao thông như Kim Liên-Giải Phóng, Phùng Hưng - Hà Đông, Nguyễn Xiển, những khu vực đông dân cư, nồng độ bụi thường cao hơn 5-7 lần mức cho phép. Các khí ô nhiễm khác như CO, SO2 dưới tiêu chuẩn, nhưng đang có xu hướng tăng lên.
Qua một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy, trên địa bàn TP.Hà Nội có đến 72% hộ gia đình mắc bệnh do ô nhiễm không khí (liên quan đến hô hấp), trong đó quận Hoàng Mai chiếm tỷ lệ cao nhất, 91,4%; thấp nhất là quận Tây Hồ với 55%.
Đây có lẽ là hậu quả không khó hiểu khi hiện nay lượng phương tiện tham gia giao thông tại Hà Nội đang tăng lên chóng mặt. Hoạt động giao thông tại Hà Nội chiếm tới 85% lượng khí thải CO và 95% lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCS).
Cơ sở hạ tầng đường xá giao thông đô thị xuống cấp cũng làm phát thải bụi mạnh. Bên cạnh ô nhiễm không khí từ giao thông đang là một trong những tác nhân lớn nhất ảnh hưởng đến không khí đô thị, thì các nguồn khí thải khác như hoạt động sản xuất hoạt động xây dựng và hoạt động dân sinh chiếm một tỷ lệ tương đối về khí thải gây ô nhiễm không khí đô thị.
Chưa kể là một loạt các công trình xây dựng, các hạng mục chung cư, cao tầng, cầu vượt được thi công rất nhiều trong địa bàn thành phố và dự án đốn hạ 6.700 cây xanh trên khắp các tuyến phố Hà Nội trong thời gian qua ít nhiều cũng đã cho thấy những hậu quả nhãn tiền khi chặt bỏ những lá phổi xanh của thành phố dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng.
Và làm thế nào để cải tiện tình trạng này, cân bằng giữa phát triển kinh tế, đô thị hóa song hành với một môi trường xanh chắc chắn vẫn là một câu hỏi khó khiến các nhà quản lý phải đau đầu để đưa ra lời giải.