Sống chung với bụi, khói
Ngày nắng bụi mù mịt, trời mưa thì sình lầy, đó là thực trạng người dân đang phải chịu đựng trong nhiều năm qua khi lưu thông trên đường Yên Nghĩa (quốc lộ 6A), đoạn từ ngã tư Ba La qua bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội).
Ghi nhận của PV, đoạn đường này tồn tại 3 dự án cùng thi công. Đây là tuyến đường huyết mạch phía tây thủ đô, mỗi ngày có hàng nghìn phương tiện chạy qua, khiến đoạn đường dài hơn một kilomet trở nên bụi bặm. Bụi bám trắng cây, cỏ cũng như các nhà dân hai bên đường. Những tòa nhà cao tầng với cửa kính đã bị phủ lên một lớp bụi dày, bụi còn tràn vào nhà.
Chị Nguyễn Thị Hoa - người dân sống tại khu vực này - phản ánh, từ khi có công trình đường sắt trên cao và công trình làm đường thì xuất hiện bụi nhiều, bụi giăng đầy ngoài đường, phủ rạp hết cây cỏ và bay khắp nhà.
TP.Hồ Chí Minh với khoảng 7 triệu phương tiện giao thông
đang lưu thông góp phần làm cho không khí ô nhiễm nặng nề. Ảnh: Tr.Phan
Không khác gì Hà Nội, tại TP.Hồ Chí Minh mức độ ô nhiễm không khí ở một số trục đường như Xa lộ Hà Nội, Trường Chinh, quốc lộ 1, khu vực bến An Sương, bến xe Miền Tây, bến xe Miền Đông, hay khu vực gần khu công nghiệp, khu chế xuất…), ngày càng trầm trọng khiến người dân ngại ra đường. Chị Trần Thị Dung (nhà ở quận 7) cho biết: Nhất là vào những giờ cao điểm, đường phố lúc nào cũng ùn ứ do lượng xe quá lớn. Khói từ các phương tiện xả ra gây ô nhiễm kinh khủng.
Ô nhiễm tiếp tục tăng lên
Tháng 11.2015, Vụ Môi trường (Bộ GTVT) công bố, Hà Nội ô nhiễm bụi vượt giới hạn cho phép. Theo số liệu thống kê thì ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã vượt quy chuẩn cho phép chủ yếu là hàm lượng bụi cao hơn 1-2 lần tiêu chuẩn. Theo đó, số liệu về ô nhiễm khói, bụi do các chuyên gia đo được ở Hà Nội vào giờ cao điểm đều vượt giới hạn cho phép của Bộ TNMT.
Theo số liệu của Trung tâm Quan trắc môi trường - Tổng cục Môi trường Việt Nam, tại nhiều nút giao thông như Kim Liên - Giải Phóng, Phùng Hưng - Hà Đông, Nguyễn Xiển, những khu vực đông dân cư, nồng độ bụi thường cao hơn 5-7 lần mức cho phép. Các khí ô nhiễm khác như CO, SO2 dưới tiêu chuẩn, nhưng đang có xu hướng tăng lên. Qua một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy, trên địa bàn TP.Hà Nội có đến 72% số hộ gia đình mắc bệnh do ô nhiễm không khí (liên quan đến hô hấp), trong đó quận Hoàng Mai chiếm tỉ lệ cao nhất, 91,4%; thấp nhất là quận Tây Hồ với 55%.
Tại hội thảo về giao thông và môi trường mới đây, đại diện một tổ chức của Thụy Điển cho biết, nghiên cứu từ một tổ chức quốc tế, trong năm 2014 VN là một trong các quốc gia có chất lượng không khí ô nhiễm nhất (xếp thứ 8 từ dưới lên trong số 178 quốc gia). Một phần nguyên nhân ô nhiễm không khí do sự gia tăng việc sử dụng quá nhiều các phương tiện giao thông cá nhân.
Còn theo Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, tình hình ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố đang diễn biến ngày càng phức tạp, 89% số mẫu kiểm tra không khí không đạt tiêu chuẩn cho phép. Tác nhân gây ra ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn thành phố chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông, nhà máy và công trình dự án xây dựng gây ra.
Cụ thể, mức độ ô nhiễm không khí đo được tại 15 trạm quan trắc rải đều khắp địa bàn thành phố cho thấy, mức độ ô nhiễm không khí đều vượt chuẩn cho phép. Bình quân về độ ô nhiễm không khí đều vượt mức chuẩn hơn 66%, trong đó có 10 vị trí vượt tới 91%. Còn nồng độ bụi trong không khí ven đường tại các trạm quan trắc này đo được cũng đều cho kết quả vượt quy chuẩn của VN từ 1,2-2,2 lần.
Hít bụi, khói xe nguy hiểm hơn việc hút thuốc lá
Tiến sĩ (TS) Phạm Sanh - chuyên gia về lĩnh vực môi trường, giao thông - cho biết: “Qua nhiều nghiên cứu từ các tổ chức quốc tế, việc những người sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm nặng sẽ chịu tác hại, nguy hiểm hơn nhiều lần việc hút thuốc lá. Cụ thể, hút thuốc lá chỉ gây ra các bệnh về hô hấp, còn những người sống trong vùng bị ô nhiễm không khí, ngoài sẽ mắc bệnh về đường hô hấp, còn mắc thêm các bệnh đường ruột, bao tử, da, mắt…
Nói về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, bác sĩ Đặng Hoàng Sơn - Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM - cho biết, các lớp tro bụi khuếch tán vào không khí, khi gặp những nơi có độ ẩm cao tích tụ lại thành những dung dịch hỗn hợp có tính kiềm. Khi hít vào cơ thể những dung dịch này thì có thể ảnh hưởng đến đường hô hấp. Những hạt bụi tro nhỏ trong lớp không khí bị ô nhiễm có thể đi sâu xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản, co thắt phế quản. Một số trường hợp khác có thể bị đau mắt đỏ hoặc bị chảy nước mũi.
Về giải pháp hạn chế ô nhiễm bụi, khói, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội không phải là các phương tiện giao thông đang lưu thông hằng ngày trên đường, mà chính là do các phương tiện chở phế liệu, chất thải, vật liệu xây dựng không được che chắn. Ngoài ra, các công trình xây dựng kéo dài. Do đó, thủ đô Hà Nội nên chú trọng đến cây xanh, đất và mặt nước. T.AN
|