Theo quyết định này, từ ngày 1/12/2014, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E5. Từ ngày 1/12/2015, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ trên toàn quốc là xăng E5.
Xăng E5 là loại xăng gồm hỗn hợp của xăng không chì và ê-ta-nôn (ethanol) biến tính với hàm lượng ethanol từ 4 đến 5% theo thể tích. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để đưa xăng E5 vào thị trường như: Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức sản xuất, phối trộn; thiết lập các kênh phân phối, hệ thống bán lẻ ở các tỉnh, thành phố; tuyên truyền, khuyến khích mọi người sử dụng xăng E5... Tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn chưa được như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là do kênh phân phối chưa rộng khắp; công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về tác dụng của xăng E5 đối với động cơ, bảo vệ môi trường chưa thật sự được triển khai đúng mức; giá bán chưa thật khuyến khích người tiêu dùng...
TP Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng phương tiện cơ giới đường bộ vượt trội so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Thành phố hiện có hơn 600.000 xe ô-tô, gần 6,5 triệu mô-tô, xe gắn máy, đó là chưa kể lượng xe gắn máy của rất nhiều sinh viên, công nhân, viên chức, người lao động từ các tỉnh, thành phố khác đang học tập, làm việc, sinh sống tại thành phố mang theo. Thực tế sử dụng xăng dầu tại thành phố cho thấy, phần lớn người có xe chưa mặn mà với xăng E5. Nhiều người chưa hiểu xăng E5 là gì; thành phần phối chế thế nào; khi sử dụng có hại cho động cơ hay không; tác dụng bảo vệ môi trường của loại xăng này ra sao?... Mặt khác, dù đã triển khai ở khá nhiều nơi nhưng không phải cửa hàng xăng dầu nào trong thành phố cũng có bán xăng E5. Những nơi bán thì chỉ có một trụ bơm xăng E5 so với năm, bảy trụ bơm khác bán xăng A92, A95.
Biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu rõ nét, những kịch bản tiêu cực của nó có thể diễn ra nhanh hơn dự báo và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP - 21) vừa diễn ra tại Pa-ri (Pháp), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có bài diễn văn quan trọng, trong đó đã cam kết tiếp tục thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; thông báo lộ trình cắt giảm khí CO2 của nước ta đến năm 2030.
Việc sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế nhiên liệu hóa thạch là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường. Để người sử dụng phương tiện cơ giới chuyển từ dùng xăng truyền thống sang xăng E5, đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố; chính quyền, cơ quan, đoàn thể các cấp ở thành phố tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng về tác dụng của xăng E5. Các nhà khoa học cần có những bài viết nêu rõ thành phần phối trộn; phân tích, chỉ rõ xăng E5 không gây hại động cơ; khuyến cáo loại xe nào sử dụng tốt loại nhiên liệu này... Mặt khác, đề nghị các cơ quan, đơn vị có xe công ưu tiên sử dụng xăng E5 để làm gương. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tính toán lại giá bán xăng E5, bởi hiện tại, chênh lệch giá giữa xăng E5 với xăng A92 chỉ là 500 đồng/lít, chưa thật sự khuyến khích người tiêu dùng.