Bến Tre: Kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn giao thông đường thủy nội địa

Ngày 10/12/2015
Ban An toàn giao thông tỉnh Bến Tre, các huyện, thành phố và địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai quyết liệt công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Nhờ vậy, an toàn giao thông thủy trong năm 2015 cơ bản đảm bảo. Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ đầu năm đến nay, xảy ra 3 vụ, gây thiệt hại không đáng kể.

ATGT ĐTNĐ

Bến khách sang sông Chợ Lách chưa đảm bảo an toàn

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp với các ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành mở 3 đợt cao điểm trên các tuyến sông trong toàn tỉnh. Đã kiểm tra 157 phương tiện các loại, đủ điều kiện hoạt động 73 phương tiện, không đủ điều kiện hoạt động 84 phương tiện.

Công tác quản lý, khai thác và phát triển cảng, bến thủy ngày càng chặt chẽ hơn. Đến nay, đã cấp 322 giấy phép hoạt động cảng, bến thủy nội địa. Trong đó, cảng, bến thủy nội địa nằm trên tuyến sông thuộc tỉnh quản lý 273 bến, cảng thủy nội địa. Cảng, bến thủy nội địa nằm trên đường thủy nội địa quốc gia quản lý chuyển Sở Giao thông vận tải cấp, đổi giấy hoạt động 66 bến. Toàn tỉnh còn tồn tại 22 bến thủy nội địa hoạt động không phép.

Công tác đảm bảo an toàn trong vận chuyển khách du lịch cũng được đặc biệt chú trọng. Tỉnh hiện có 2 tuyến du lịch bằng đường thủy, tuyến Cồn Phụng - Cồn Qui - Tân Thạch - Quới Sơn - An Khánh - Phú Túc (Châu Thành); tuyến Nhơn Thạnh - Sơn Phú - Phú Nhuận - Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre). Ngoài ra, còn có 8 công ty, hợp tác xã du lịch với 116 phương tiện các loại. Đa số phương tiện hoạt động đều có đăng ký, đăng kiểm, trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy chữa cháy, người điều khiển phương tiện có đầy đủ bằng cấp chuyên môn theo quy định.

Lực lượng Cảnh sát đường thủy đã phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương xây dựng 2 mô hình “Bến du lịch và đoàn tàu chở khách du lịch văn hóa, văn minh an toàn”.

Ngoài tổ chức tuyên truyền pháp luật về giao thông thủy, các ngành chức năng cũng đã phối hợp kiểm tra 19 lượt bến đưa rước khách du lịch, 87 lượt phương tiện kinh doanh du lịch trên nhiều tuyến sông. Xử lý 2 trường hợp không giấy phép mở bến; nhắc nhở 53 xuồng chèo của các hộ đưa rước khách du lịch trên các tuyến sông ở Châu Thành. Theo quy định, mỗi xuồng chèo chỉ chở khoảng 3 khách nhưng hầu như xuồng nào cũng chở từ 4 - 5 khách và gần như 100% xuồng chèo đều không có trang bị áo phao hoặc bất cứ dụng cụ cứu sinh nào.

Đảm bảo an toàn trên các tuyến sông

Toàn tỉnh hiện có 193 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài 1.454km. Trong đó, tuyến đường thủy quốc gia 6 tuyến, dài 126km; tuyến đường thủy tỉnh quản lý 187 tuyến, dài 1.328km. Hệ thống sông, kênh, rạch được phân bố đều trong toàn tỉnh nhưng phổ biến là nhỏ, hẹp. Mùa mưa bão, lượng nước từ thượng nguồn đổ về các sông chính tương đối lớn, nhiều tuyến bị lắng lòng sông, cản trở hoạt động vận tải đường thủy nội địa, nhất là trên các sông: Tiền, Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai. Hoạt động vận tải khách trong tỉnh chủ yếu là vận tải khách ngang sông, theo hợp đồng du lịch sinh thái dọc sông đến các cù lao. Một số ít bến khách ngang sông từng bước được nâng cấp lên thành bến phà, như: phà Tam Hiệp (Bình Đại), Hưng Phong (Giồng Trôm), Mỹ An (Thạnh Phú).

Hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa không ngừng phát triển, có 277 bến, 3 cảng được cấp phép, 7.227 phương tiện được đăng ký. Theo thống kê của các huyện, thành phố hiện toàn tỉnh còn lại 500 loại phương tiện nhỏ không đăng ký kinh doanh mà hoạt động chủ yếu là trung chuyển các mặt hàng nông sản cho các hộ gia đình nên việc tổ chức quản lý số phương tiện này vô cùng khó khăn.

Công tác quản lý, đào tạo thuyền viên, người điều khiển phương tiện còn nhiều bất cập, khó khăn. Toàn tỉnh hiện chỉ có một cơ sở đào tạo chứng chỉ chuyên môn, thuyền trưởng hạng 3. Số lượng thuyền viên lái phương tiện đến nay có 1.179 bằng thuyền trưởng hạng 3; 409 bằng máy trưởng hạng 3; 948 bằng thuyền trưởng hạng ba hạn chế; 3.118 chứng chỉ. Tuy nhiên, đa số phương tiện thủy nội địa đều là của tư nhân, học vấn hạn chế nên việc chuẩn hóa bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn cho người trực tiếp điều khiển phương tiện theo Luật Giao thông thủy nội địa gặp nhiều khó khăn.

Nguồn: Báo Đồng Khởi