Khánh Hòa: Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt

Ngày 05/01/2016
Tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa dài gần 150km, nhưng có đến 252 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó, có 159 điểm giao cắt không hợp pháp (lối đi dân sinh), tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Phú Khánh (gọi tắt là Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh), trung bình cứ 1,6km đường sắt có 1 đường ngang và 0,9km có 1 lối đi dân sinh. Trong số 93  điểm giao cắt hợp pháp (đường ngang) có 34 đường có người gác, 35 đường có cảnh báo tự động, 24 đường có biển báo. Có tới 159 lối đi dân sinh tự mở qua đường sắt không có rào chắn hoặc cảnh báo tự động; trong đó 90 lối đi chỉ phục vụ 1 hộ dân, 38 lối đi nhỏ hơn 3m, 31 lối đi rộng 3m trở lên. Phần lớn các điểm giao cắt này không đảm bảo tầm nhìn cả về đường sắt và đường bộ theo quy định. Đây chính là các vị trí tiềm ẩn nguy cơ cao về TNGT đường sắt.

Đường ngang dân sinh cắt đường sắt ở thôn Vĩnh Điềm Thượng, xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang.

Trong 3 năm (2013 - 2015), tính chung toàn tỉnh, TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương nhưng TNGT đường sắt lại gia tăng. Trên địa tỉnh đã xảy ra 36 vụ TNGT đường sắt, làm chết 34 người, bị thương 6 người, so với trước tăng 10 vụ, tăng 7 người chết. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT đường sắt là do người tham gia giao thông không quan sát tàu hỏa trước khi đi qua đường sắt.

3 năm qua, Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh đã phối hợp với các ngành chức năng và địa phương có tuyến đường sắt đi qua thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục tồn tại, giải tỏa ùn tắc tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt; giảm thiểu TNGT và thiệt hại do tai nạn gây ra. Ngành Đường sắt đã phối hợp sửa chữa, cải tạo 199 lượt đường ngang trong duy tu; cắm 174 biển cảnh báo chú ý tàu hỏa tại 87 lối đi dân sinh; tổ chức 21 điểm cảnh giới chốt gác; giải tỏa tầm nhìn tại các đường ngang và lối đi dân sinh 60 lượt - vị trí; rào thu hẹp và rào đóng 36 vị trí các lối đi dân sinh; làm hàng rào đường gom xóa bỏ 18 lối đi dân sinh; kết nối tín hiệu 2 vị trí giữa đường bộ và đường sắt; lắp loa phát thanh tuyên truyền tại 2 đường ngang…

Trên lĩnh vực giao thông đường sắt, Công an tỉnh Khánh Hòa đã kiểm tra trật tự ATGT đường sắt tại 13 ga, 41 gác chắn tại các huyện, thị xã, thành phố có tuyến đường sắt đi qua. Qua kiểm tra, phát hiện 187 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 143 trường hợp với số tiền 30 triệu đồng, tạm giữ 32 xe mô tô.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã xây dựng 11 kế hoạch phối hợp với ngành Đường sắt và các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường sắt tại các đường ngang, cầu chung và trên các đoàn tàu, nhà ga. Qua đó, đã kiểm tra 26 đường ngang, 14 vị trí nguy hiểm về ATGT đường sắt tại các lối đi dân sinh; kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết, khắc phục đối với 18 vị trí tại các đường ngang có nguy cơ mất ATGT đường sắt.

Ông Nguyễn Văn Hào, Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh cho biết, hiện nay, còn nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt. Đó là, chưa cắm được mốc lộ giới theo Luật Đường sắt; hệ thống kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập: các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt còn quá nhiều, đặc biệt là các lối đi dân sinh; các công trình vi phạm hành lang ATGT đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm; nhiều đường ngang chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn như: tầm nhìn hạn chế, độ dốc của đường bộ trên đoạn đường ngang vượt quá quy định, đặc biệt là những đường ngang tại những vị trí đường bộ nằm kề đường sắt… Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo ATGT đường sắt của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và người tham gia giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT đường sắt chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Các hành vi vi phạm trật tự hành lang ATGT đường sắt chưa được phát hiện và xử lý nghiêm minh; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt chưa được thường xuyên, liên tục. Việc xóa bỏ các lối đi dân sinh và lập lại trật tự hành lang ATGT đường sắt rất khó khăn do thiếu kinh phí và nhiều người dân sống dọc 2 bên đường sắt còn thiếu ý thức.

Nguồn: Báo Khánh Hòa