Kinh tế biển cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường biển
Ô nhiễm gia tăng “chóng mặt”
Chưa bao giờ môi trường vùng nước cửa sông ven biển thành phố Hải Phòng lại ô nhiễm như bây giờ. Theo kết quả quan trắc môi trường do Sở Tài nguyên & Môi trường thực hiện năm 2015 cho thấy, nước ở vùng biển ven bờ đều gia tăng mức độ ô nhiễm so với năm 2014. Hầu hết các chất ô nhiễm đều vượt giới hạn cho phép.
Tại vùng bờ Hải Phòng các nguồn thải từ lục địa ra biển chiếm từ 60–70 %. Trong đó, hệ thống sông Thái Bình đổ ra biển qua cửa Cấm và Bạch Đằng, đóng góp khoảng 53 – 63% các chất hữu cơ, dinh dưỡng ni tơ và phốt pho chiếm khoảng 27% - 48%. Không những thế, khu vực ven biển hiện có rất nhiều khu công nghiệp như Đình Vũ, An Dương, Đồ Sơn…
Các nguồn thải công nghiệp ở đây là rất lớn. Đặc biệt là khu công nghiệp Đình Vũ, nằm sát khu vực cửa Cấm. Tại các khu vực này, nồng độ dầu và cyanua trong đất ngấm ra sông, biển khá cao. Ngoài ra, hoạt động nuôi trồng thủy sản, các nhà bè trên biển và dân cư làng chài tại vùng biển này cũng thải ra lượng lớn thức ăn dư thừa, nước thải, rác thải....
Theo Sở TN&MT TP Hải Phòng, ô nhiễm môi trường vùng cửa sông ven biển, biển chủ yếu từ các nguồn nước thải, chất thải rắn từ đất liền do các cửa sông đưa ra; tràn dầu do hoạt động hàng hải và cảng biển; hoạt động khai thác khoáng sản biển và lấn biển; nuôi trồng, khai thác, chế biến và hậu cần thủy sản; hoạt động nạo vét, nhận chìm và đổ thải và do hoạt động du lịch, dịch vụ trên các đảo và ven đảo,...
Giải quyết vấn đề này, những năm qua, thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường biển. Riêng trong năm 2015, thành phố kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường theo kế hoạch tại 106 đơn vị, trong đó có 35 đơn vị liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước; 12 đơn vị hoạt động có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu và ô nhiễm môi trường biển, hải đảo; kiểm tra khai thác hải sản tại khu vực biển Bạch Long Vỹ.
Song những biện pháp trên chưa kiểm soát, hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật phục vụ kiểm soát ô nhiễm bảo vệ môi trường của thành phố xuống cấp, chưa được đầu tư cải tạo; thành phố chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Do đó, lượng lớn nước thải, chất thải chưa qua xử lý đổ trực tiếp ra biển.
Quản lý tổng hợp
Chia sẻ với bài toán khó của Hải Phòng, Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) vừa đưa ra mô hình dự đoán toán học delft-3d xác định hướng phân tán của các chất thải độc hại trên vùng biển của thành phố Hải Phòng.
Dựa trên mô hình này, các nhà khoa học xác định quy luật phát tán chất thải độc hại. Như vào mùa mưa, khi triều xuống,hàm lượng chất rắn lơ lửng (TSS) của các sông đều lớn hơn 100mg/l. Sự phát tán chất hữu cơ lơ lửng (BOD) từ lục địa ra vùng cửa sông ven biển thể hiện rõ khi triều xuống. Tương tự với các chất độc hại khác như nhóm muối amoni, nhóm muối nitơrat, nhóm muối phốt pho, nhờ thủy triều lên xuống theo mùa mà bám vào khu vực quanh đảo Cát Bà hoặc các cửa sông, ven biển... Những tác nhân trên gây hiện tượng ô nhiễm hàng loạt các khu vực đầm và nuôi trồng thủy sản.
Trên cơ sở tính toán, khảo sát đường đi, hướng phân tán của chất ô nhiễm, nhóm nghiên cứu Viện Tài nguyên-Môi trường biển đề xuất Hải Phòng: thực hiện giải pháp đầu tư xây dựng những trạm xử lý nước thải tại những khu vực ven biển nhằm từng bước hạn chế sự phát tán của hóa chất độc hại cần; hạn chế phát triển các khu công nghiệp ven biển; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các nguồn ô nhiễm; thực hiện quan trắc, theo dõi di biến động chất lượng môi trường khu vực cửa sông ven biển Hải Phòng nhằm hạn chế tai biến môi trường.
Tìm kiếm giải pháp lâu dài hơn, năm 2016, Hải Phòng sẽ hợp tác với thành phố Brest (Cộng hoà Pháp) xây dựng Dự án tổng thể quản lý tổng hợp vùng bờ thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Dự án gồm các nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống quản lý thông tin tổng hợp (IIMS) và hệ thống thông tin địa lý (GIS); phân vùng chức năng đới bờ nhằm hướng tới khai thác, sử dụng hợp lý các tài nguyên và không gian đới bờ; giảm thiểu xung đột lợi ích giữa các ngành kinh tế; bảo vệ, duy trì và khôi phục các hệ sinh thái đới bờ; xây dựng và triển khai thực hiện chương trình quan trắc tổng hợp tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; xây dựng và triển khai các mô hình đồng quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đới bờ dựa vào cộng đồng...
Dự án này hoàn thành và đi vào hiện thực chắc chắn sẽ giúp Hải Phòng thực hiện đồng bộ, bài bản hơn để bảo vệ môi trường vùng nước biển ven bờ.
Hải Phòng có đường bờ biển dài khoảng 125 km, có 5 cửa sông chính đổ ra biển, phân bố gần song song và cách nhau từ 20 đến 27 km, gồm: cửa sông Thái Bình, cửa sông Văn Úc, cửa sông Lạch Tray, cửa Bạch Đằng và cửa Lạch Huyện.
|