Chất nguy hiểm là những chất hoặc hợp chất ở dạng khí, dạng lỏng hoặc dạng rắn có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia. Hàng hóa nguy hiểm là hàng hóa chứa chất nguy hiểm có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia khi được vận tải.
Phải có kế hoạch phòng ngừa sự cố môi trường
Để vận chuyển các chất độc hại, lây nhiễm, Nghị định quy định có trường hợp phải có giấy phép, có trường hợp không.
Cần xin giấy phép với điều kiện khi vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ với khối lượng bằng hoặc vượt ngưỡng khối lượng phải cấp phép vận chuyển theo quy định hoặc tổng khối lượng của các chất độc hại, chất lây nhiễm vận chuyển trên cùng một phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lớn hơn 01 tấn/chuyến (không tính khối lượng bao bì).
Trong trường hợp vận chuyển khối lượng dưới ngưỡng khối lượng phải cấp phép vận chuyển theo quy định thì không phải xin phép nhưng phải có kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong vận chuyển hàng nguy hiểm và phải tuân theo các điều kiện vận chuyển tại Nghị định 60.
Việc vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm bằng phương tiện giao thông đường thủy nội địa hoặc đường sắt phải tuân theo các quy định tương ứng (tại Nghị định số 29/2005/NĐ-CP hoặc Nghị định số 14/2015/NĐ-CP) và phải tuân theo các điều kiện vận chuyển quy định tại Nghị định 60.
Người điều khiển phải được huấn luyện chuyên môn
Theo đó, để được vận chuyển chất độc hại, lây nhiễm, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm phải có giấy phép điều khiển phương tiện phù hợp với loại phương tiện ghi trong giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm và còn hiệu lực.
Người điều khiển phương tiện phải được huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện về vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp hoặc được huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện về an toàn hóa chất hoặc vận chuyển hàng nguy hiểm khác còn hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền cấp và tốt nghiệp từ trung cấp trở lên chuyên ngành hóa chất.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định không vận chuyển hàng nguy hiểm cùng với hành khách, vật nuôi, lương thực, thực phẩm hoặc vận chuyển hàng nguy hiểm có khả năng phản ứng với nhau gây cháy, nổ hoặc tạo ra các chất mới độc hại đối với môi trường và sức khỏe con người trên cùng một phương tiện.
Phương tiện phải được trang thiết bị che, phủ kín toàn bộ khoang chở hàng, đảm bảo yêu cầu chống thấm, chống cháy, không bị phá hủy khi tiếp xúc với loại hàng được vận chuyển; chịu được sự va đập và đảm bảo an toàn, hạn chế sự rò rỉ các chất độc hại và lây nhiễm ra môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố.
Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi vận chuyển hàng nguy hiểm phải có ca bin đủ chỗ cho ít nhất 02 người ngồi, gồm 01 người điều khiển phương tiện vận chuyển và 01 người áp tải hàng nguy hiểm.