Cao tốc Bắc - Nam không phải là dự án mới

Ngày 03/11/2016
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Duy Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) khi trao đổi với Báo Giao thông về Đề án đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP.HCM.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 127km, quy mô 4 làn xe đang được gấp rút thi công

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 127km, quy mô 4 làn xe đang được gấp rút thi công

Nhiều đoạn cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành

Theo ông Nguyễn Duy Lâm, hiện Bộ GTVT đang triển khai đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc trên toàn quốc, không chỉ riêng tuyến cao tốc Bắc - Nam. “Căn cứ vào nhu cầu vận tải của từng tuyến và nhu cầu huy động nguồn lực, những dự án nào cấp thiết phải làm ngay, huy động được nguồn vốn, Bộ GTVT sẽ ưu tiên triển khai xây dựng trước”, ông Lâm nói và cho biết, riêng trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã hoàn thành đầu tư, đưa vào khai thác bốn tuyến cao tốc dài 171km gồm: Pháp Vân - Cầu Giẽ (30km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km), TP.HCM - Trung Lương (40km), TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (51km) bằng nhiều hình thức đầu tư khác nhau như: ODA, Trái phiếu Chính phủ, BOT.

Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai thi công bốn tuyến cao tốc khác với chiều dài 299km gồm: La Sơn - Túy Loan (dài 66km, quy mô hai làn xe, TMĐT 11.486 tỷ đồng, khởi công tháng 2/2015, dự kiến hoàn thành tháng 8/2017); Đà Nẵng - Quảng Ngãi (dài 127km, quy mô bốn làn xe, TMĐT 34.516 tỷ đồng, khởi công tháng 5/2013, dự kiến hoàn thành tháng 9/2017); Bến Lức - Long Thành (dài 55km, quy mô bốn làn xe, TMĐT 31.320 tỷ đồng, khởi công tháng 7/2014, dự kiến hoàn thành năm 2019); Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 51 km, quy mô hai làn xe, TMĐT 14.678 tỷ đồng, khởi công tháng 2/2015, dự kiến hoàn thành năm 2018). Như vậy, đến hết năm 2020, Bộ GTVT sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác 470km cao tốc. Để thông tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP.HCM theo quy mô tối thiểu bốn làn xe cần tiếp tục đầu tư hoàn thành 1.372km.

“Công tác đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc trong toàn quốc những năm qua đang được Bộ GTVT triển khai bình thường. Đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT chỉ tiếp tục đầu tư để nối thông các đoạn tuyến chứ đây không phải lập dự án mới. Trên cơ sở quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 326 ngày 1/3/2016, những đoạn tuyến nào có nhu cầu cấp thiết, Bộ GTVT sẽ huy động nguồn lực để làm”, ông Lâm nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược GTVT cũng khẳng định: “Đây không phải là đề án mới, bởi về mặt quy hoạch, chủ trương đầu tư nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam đã có từ năm 2004, nhưng do nguồn lực hạn chế nên đến bây giờ Bộ GTVT mới xác định để đưa vào triển khai thực hiện”.

Theo ông Mười, ngày 10/12/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 206 về việc phê duyệt chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, trong đó đã hoạch định đến năm 2020 hình thành tuyến cao tốc đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Tiếp đó, tại Quyết định 355 ngày 25/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đề cập việc phải hoàn thiện cao tốc Bắc - Nam.

“Tại Quyết định 356 ngày 25/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nêu rõ, chúng ta phải hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và phát triển nhanh chóng để đạt được 2.018km đường cao tốc vào năm 2020”, ông Mười nói và cho biết thêm, gần đây nhất, ngày 1/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 326 về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó có đưa ra mục tiêu hoàn thiện toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông với tổng chiều dài 1.814km.

“Trước đó, trong Đề án tái cơ cấu ngành GTVT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1210 ngày 24/7/2014 cũng đưa ra mục tiêu phải hoàn thành trục cao tốc đường bộ Bắc - Nam. Đó là những cơ sở để Bộ GTVT lập Đề án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP.HCM. Đây hoàn toàn không phải là một dự án mới, bởi chủ trương đã có từ năm 2004 nhưng do nguồn lực hạn chế nên đến bây giờ Bộ GTVT mới xác định để đưa vào triển khai đầu tư nhằm nối thông các đoạn tuyến theo quy hoạch đã được phê duyệt”, ông Mười khẳng định.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 127km, quy mô 4 làn xe đang được gấp rút thi công

QL1 dù mở rộng nhưng không tránh được quá tải trong thời gian tới
(Trong ảnh: QL1 đoạn qua huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh từng bị ùn tắc kéo dài hồi tháng 5/2016 ) - Ảnh: VOV

Cấp thiết nối thông cao tốc Bắc - Nam

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, việc đầu tư các tuyến cao tốc là bước đi rất đúng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phù hợp với chiến lược và các quy hoạch chuyên ngành GTVT được Thủ tướng phê duyệt. Với đặc điểm địa hình Việt Nam dài và hẹp, việc ưu tiên đầu tư đường sắt và đường bộ cao tốc hoàn toàn phù hợp, nhưng đầu tư cho đường sắt suất đầu tư cao, đòi hỏi phải đồng bộ toàn tuyến mới đem lại hiệu quả, còn đường bộ cao tốc đầu tư theo từng đoạn tuyến, khai thác được ngay, đem lại hiệu quả sớm.

Đối với hệ thống đường bộ, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên tuyến QL1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ đã hoàn thành với quy mô bốn làn xe, từng bước nâng cao năng lực và đáp ứng được nhu cầu vận tải trước mắt, nâng cao khả năng cạnh tranh và thúc đẩy phát triển KT-XH khá rõ rệt. Tuy nhiên, do đặc thù ở Việt Nam, giao thông trên tuyến QL1 là giao thông hỗn hợp, dân cư sinh sống dọc hai bên, tốc độ khai thác thấp, cùng với sự phát triển kinh tế, sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện vận tải, áp lực giao thông ngày càng gia tăng và hiện trạng tuyến đường này cũng không thể nâng cấp mở rộng được nữa, bởi sẽ ảnh hưởng đến dân sinh, khối lượng GPMB, chi phí đầu tư lớn và hiệu quả không cao.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng nhấn mạnh, việc lựa chọn đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP HCM giai đoạn trung hạn 2016 - 2020 hiện rất cấp bách. Sau khi hình thành, tuyến đường sẽ đem lại hiệu quả rất lớn đối với phát triển kinh tế của hành lang Bắc - Nam nói riêng và cả nước nói chung. “Tuyến đường sẽ tạo ra dịch vụ giao thông có tính cạnh tranh cao bởi rút ngắn thời gian đi lại và chi phí thấp hơn các tuyến đường bộ khác, đem lại hiệu quả, tiện lợi và an toàn cho các chủ phương tiện. Đồng thời, tuyến đường sẽ góp phần trực tiếp phát triển du lịch, thương mại của các địa phương nằm trong khu vực dự án đi qua. Thực tế, điều này đã được chứng minh khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác, khách du lịch đến Sa Pa tăng rất nhanh”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật chia sẻ.