Báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc giải quyết kiến nghị của đơn vị vận tải về điều chuyển tuyến tại TP.Hà Nội

Ngày 08/03/2017
Ngày 7/3, Bộ GTVT đã có Văn bản số 2318/BGTVT-VT báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Công văn số 1593/VPCP-QHĐP ngày 22/02/2017 xem xét, xử lý việc điều chỉnh Quy hoạch luồng tuyến giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
và Lãnh đạo TP Hà Nội chủ trì cuộc đối thoại ngày 01/3/2017.

 Văn bản nêu rõ, triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đại diện các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT đã cùng với Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đến nắm tình hình tại Bến xe Nước Ngầm. Đồng thời, đại diện cơ quan tham mưu của Bộ GTVT đã làm việc với Sở GTVT để chuẩn bị nội dung và tập hợp toàn bộ các kiến nghị liên quan để chuẩn bị cho nội dung họp đối thoại giữa Bộ GTVT và UBND Thành phố Hà Nội với doanh nghiệp. Ngay trong chiều ngày 1/3/2017, tại Hội trường Sở GTVT Hà Nội, lãnh đạo Bộ GTVT và UBND Thành phố Hà Nội đã thống nhất tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp.

Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT và đồng chí Nguyễn Thế Hùng - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; sự tham gia của đại diện các cơ quan: Vụ Công tác Quốc hội, địa phương và đoàn thể (Văn phòng Chính phủ), Tổng cục An ninh, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia; Các cơ quan thuộc Bộ GTVT; Các cơ quan liên quan thuộc Thành phố Hà Nội, Sở GTVT các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam; các đơn vị khai thác bến xe khách trên địa bàn Thành phố Hà Nội cùng toàn bộ các đơn vị kinh doanh vận tải thuộc diện điều chuyển luồng tuyến đang hoạt động tại bến xe Nước Ngầm (38/100 đơn vị) và cơ quan thông tấn báo chí, cuộc họp đã diễn ra theo nguyên tắc dân chủ, các doanh nghiệp tham dự có ý kiến đều được phát biểu tại Hội nghị để bày tỏ tâm tư nguyện vọng, đề xuất kiến nghị của đơn vị mình. Lãnh đạo Bộ GTVT và Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng đã lắng nghe, giải đáp và tiếp thu các kiến nghị.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các nội dung cuộc họp và nội dung kiến nghị của một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải và Hiệp hội vận tải địa phương cũng như các kết luận chỉ đạo của các đồng chí chủ trì cuộc họp, Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội cũng đã thống nhất, tập hợp đầy đủ những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và Hiệp hội Vận tải Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng.

Cụ thể, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng của Thành phố tiếp tục rà soát để bố trí hợp lý các tuyến thuộc diện điều chuyển về bến Nước Ngầm hay bến xe Giáp Bát hoặc tái cơ cấu lại giữa Bến xe Giáp Bát với Bến xe Nước Ngầm để đảm bảo cạnh tranh công bằng, công khai, minh bạch đối với các tuyến từ các địa phương (Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình); Thông báo công khai về quy hoạch bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó làm rõ tính pháp lý đối với Bến xe Nước Ngầm và được quy hoạch thực hiện dài hạn hay ngắn hạn; Thông báo rõ đến các đơn vị vận tải đang hoạt động tại Bến xe Gia Lâm được hoạt động đến khi xây dựng xong Bến xe Cổ Bi; Bến xe Giáp Bát được hoạt động cho đến thời điểm xây dựng xong và đưa vào khai thác Bến xe Yên Sở để doanh nghiệp bến xe cũng như đơn vị vận tải chủ động trong đầu tư và hoạt động vận tải; Rà soát bố trí tăng lượng phương tiện xe buýt để kết nối giữa các Bến xe để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, phối hợp với Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng xe buýt có thiết kế để chở cả hàng hóa được hoạt động trên các tuyến buýt kết nối giữa các bến xe; Kiểm tra việc kê khai đăng ký giá dịch vụ xe ra vào bến của bến xe Nước Ngầm, đảm bảo công bằng, phù hợp với mặt bằng giá chung trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, UBND TP.Hà Nội và Bộ GTVT đề nghị Công an Thành phố Hà Nội, Sở GTVT và quận, huyện liên quan mở chiến dịch cao điểm về thanh tra, kiểm tra xử lý “xe dù, bến cóc” trên địa bàn thành phố Hà Nội; Tổ chức kiểm tra, phối hợp thông tin xử lý vi phạm, đặc biệt khu vực xung quanh các bến xe; tập trung xử lý nghiêm các vi phạm dùng xe hợp đồng Limousine để hoạt động như tuyến cố định; Tăng cường công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng trên địa bàn, các bến xe và luồng tuyến, biểu đồ chạy xe để người dân biết và chủ động cho các chuyến đi.

Thứ hai, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 6 Luật Giao thông đường bộ để tổ chức lập, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định quy hoạch về số lượng phương tiện phù hợp tình hình thực tế của địa phương mình để tránh hiện tượng cung vượt quá cầu và lợi dụng chạy trá hình xe tuyến cố định gây mất trật tự vận tải và cạnh tranh không công bằng giữa các loại hình vận tải hành khách.

Cụ thể, các tỉnh, Thành phố rà soát thực trạng tại địa phương về số lượng phương tiện (từ 9 chỗ trở lên) vận tải hành khách theo hợp đồng, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả và phù hợp với tình hình tổ chức giao thông trên địa bàn. Trong trường hợp cần thiết có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các địa phương tạm dừng cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và phù hiệu đối với phương tiện (từ 9 chỗ trở lên) vận tải hành khách theo hợp đồng cho đến khi ban hành quy hoạch về số lượng phương tiện để làm căn cứ thực hiện theo đúng số lượng quy hoạch trên địa bàn địa phương mình; Chỉ đạo Công an tỉnh, Sở GTVT và quận, huyện liên quan mở chiến dịch cao điểm về thanh tra, kiểm tra xử lý “xe dù, bến cóc” trên địa bàn địa phương mình; đặc biệt khu vực xung quanh các bến xe; tập trung xử lý nghiêm các vi phạm dùng xe hợp đồng Limousine để hoạt động như tuyến cố định.

Đối với nhiệm vụ của Bộ GTVT, Văn bản nêu rõ, Bộ sẽ tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan hoạt động vận tải để sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường quản lý chặt chẽ và đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các loại hình vận tải; Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan hướng dẫn nghiệp vụ để Thanh tra Sở GTVT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý “xe dù, bến cóc” trên địa bàn địa phương mình; đặc biệt khu vực xung quanh các bến xe; tập trung xử lý nghiêm các vi phạm dùng xe hợp đồng Limousine để hoạt động như tuyến cố định; Tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phố rà soát điều chỉnh hành trình các tuyến xe khách liên tỉnh đi qua Hà Nội (tuyến không có điểm đầu, điểm cuối tại các bến xe thuộc Hà Nội), tránh đi xuyên tâm Thành phố và giảm đi trên đường Vành đai 3 (trừ các tuyến có hành trình bắt buộc phải đi qua).

 

DT