CSGT TP.Hồ Chí Minh tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế

Ngày 10/07/2017
6 tháng đầu năm 2017, CSGT đường bộ - đường sắt Công an thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý 13.282 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn. Từ đầu tháng 7 này, lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là vào giờ tối.

Nhằm góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, bảo đảm TTATGT chung trên địa bàn thành phố, tối ngày 6/7, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi ra quân TTKS và XLVP quy định nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.

Trong đợt ra quân này các đơn vị thuộc Phòng được tổ chức thành 4 cụm công tác luân phiên thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế tập trung vào các tuyến cửa ngõ và các tuyến đường phù hợp cho việc bố trí mô hình kiểm tra. Mỗi cụm bao gồm 04 đơn vị sẽ luân phiên thực hiện công tác kiểm tra, xử phạt nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế vào các ngày trong tuần từ 20 giờ đến 24 giờ các đêm.

Phương pháp kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế đã phát huy nhiều ưu điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giúp lực lượng CSGT cùng lúc tiến hành kiểm tra nhiều phương tiện. Từ đó mang lại hiệu quả cao, tạo sự thuận lợi cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và đảm bảo an toàn cho CBCS khi thi hành nhiệm vụ.

Bố trí kiểm tra nồng độ cồn từ 20h đến 24h các đêm

Bên cạnh việc sử dụng đầy đủ các trang thiết bị nghiệp vụ phục vụ cho công tác xử phạt bảo đảm chính xác, khách quan, mỗi cán bộ chiến sỹ CSGT được lựa chọn tham gia nhiệm vụ khi tiến hành xử phạt phải có thái độ kiên quyết, khôn khéo, có khả năng giải thích cho người lái xe hiểu các quy định pháp luật để không tái phạm và chấp hành nghiêm việc xử phạt.

Đối với trường hợp người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, chống người thi hành công vụ, lưc lượng làm nhiệm vụ được phép sử dụng mọi phương tiện, biện pháp công tác của lực lượng Công an nhân dân để ngăn chặn, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời cũng bảo đảm tuyệt đối an toàn tài sản của Nhà nước, tính mạng, sức khỏe của nhân dân và CBCS khi thi hành công vụ theo chỉ đạo của Bộ Công an.

Lựa chọn những đoạn đường bảo đảm cho việc kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế

Lựa chọn những đoạn đường bảo đảm cho việc kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế

Tại khu vực kiểm tra có bố trí biển báo “CHỐT KIỂM TRA NỒNG ĐỘ CỒN”.  Trên phần đường kiểm soát nồng độ cồn sẽ được bố trí phân làn bằng các cọc phản quang hình chóp nón bằng nhựa hoặc cao su. Địa điểm kiểm tra phải đảm bảo thuận lợi cho việc tổ chức triển khai kiểm soát xử lý vi phạm, không gây ùn tắc giao thông.

Trước chốt kiểm tra nồng độ cồn, sẽ bố trí CSGT ra hiệu lệnh cho các phương tiện giảm tốc độ và hướng dẫn đi vào làn đường theo quy định để tới vị trí kiểm tra.
Việc kiểm tra sẽ được tiến hành theo 02 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Tổ công tác sẽ dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ thụ động không cần dùng ống thổi để kiểm tra xác định người lái xe có nồng độ cồn trong hơi thở hay không. Tùy vào từng loại phương tiện kiểm tra mà người lái xe có thể ngồi trên xe hoặc xuống xe cho phù hợp để thực hiện yêu cầu kiểm soát. Nếu không phát hiện vi phạm thì tổ công tác sẽ cảm ơn và hướng dẫn cho người lái xe tiếp tục hành trình. Trường hợp phát hiện có vi phạm quy định về nồng độ cồn sẽ yêu cầu người lái xe đưa xe vào khu vực xử lý.

Giai đoạn 2: Tại khu vực xử lý, tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra giấy tờ của người, của phương tiện và dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ đo định lượng, dùng ống thổi để kiểm tra xác định chính xác nồng độ cồn trong khí thở. Sau đó, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định.

Phương pháp kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế đã phát huy nhiều ưu điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giúp lực lượng CSGT cùng lúc tiến hành kiểm tra nhiều phương tiện. Từ đó mang lại hiệu quả cao, tạo sự thuận lợi cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và đảm bảo an toàn cho CBCS khi thi hành nhiệm vụ.

Nguồn: Cục CSGT