Lâm Đồng: Hiệu quả từ mô hình cổng trường an toàn giao thông

Ngày 12/10/2017
Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được Ban Thường vụ Huyện Ðoàn Ðam Rông (Lâm Đồng) triển khai tại các trường học trên địa bàn đã góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông tại một số khu vực trước cổng trường vào giờ cao điểm, góp phần nâng cao ý thức của phụ huynh và các em học sinh khi tham gia giao thông.

Mô hình Cổng trường an toàn giao thông tại Trường Tiểu học Đạ M’rông (xã Đạ M’rông). Ảnh: V.Tâm

Có mặt tại Trường Tiểu học Đạ M’rông (xã Đạ M’rông) sau hồi trống tan trường, chúng tôi nhận thấy các bạn đội viên thuộc liên đội trường học đã xuất hiện ngay tại cổng trường, căng dây, đưa biển hiệu, phất cờ xin các phương tiện lưu thông trên tuyến đường tỉnh lộ 722 dừng lại. Sau tiếng còi vang lên của thầy giáo Tổng phụ trách đội, các em học sinh đã xếp hàng ngay ngắn lần lượt ra khỏi cổng trường. Tình trạng học sinh lộn xộn, đi xe đạp hàng ngang, hàng ba giờ đây đã không còn nữa; phụ huynh học sinh đến đón con em mình đã xếp xe ngay ngắn. Có được kết quả đó, ngay từ đầu năm học, Trường Tiểu học Đạ M’rông đã xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” nhằm nâng cao ý thức chấp hành an toàn giao thông đường bộ cho phụ huynh và học sinh.

Thầy Ha Na, Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Đạ M’rông cho biết: “Trường chúng tôi nằm ngay trung tâm của xã Đạ M’rông và nằm ngay trục đường chính nên việc triển khai thực hiện mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành giao thông đường bộ của cả phụ huynh và học sinh. Với vai trò là Tổng phụ trách đội, tôi chủ động phân công cho ban liên đội, đặc biệt là các bạn trong Ban an toàn giao thông của trường vào giờ ra về phải làm tốt công tác an toàn giao thông trước cổng trường để cho tất cả các bạn học sinh ra về an toàn, tránh tai nạn thương tích không hay xảy ra”.

Thực tiễn cho thấy, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” trên địa bàn huyện Đam Rông đã phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên, đội viên trong việc tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Trên cơ sở đó, từng bước hình thành văn hóa giao thông trong học sinh tại các trường; đồng thời tuyên truyền cho các em những kiến thức cơ bản về Luật Giao thông đường bộ. Nhờ triển khai có hiệu quả mô hình này, thời gian gần đây, tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy; điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe... đã giảm đáng kể.

Chị Nguyễn Thị Nhung - Phó Bí thư Huyện Đoàn Đam Rông cho biết. “Mục đích cử việc triển khai mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại các trường học trên địa bàn toàn huyện nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong đoàn viên, thanh thiếu nhi, học sinh và phụ huynh; đồng thời  làm giảm tình trạng dàn hàng ngang, hàng ba ở cổng trường khi tan học. Đặc biệt, đối với học sinh cấp 3 chưa đủ độ tuổi lái xe mô tô phân khối lớn theo quy định thì cũng được hạn chế”.

Sau 5 năm triển khai thực hiện mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” do Trung ương đoàn phát động, đến nay, Ban Thường vụ Huyện Ðoàn Ðam Rông đã xây dựng được 28 cổng trường an toàn giao thông từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông.

Những mô hình này đã và đang góp phần nâng cao nhận thức cho phụ huynh và học sinh khi tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu tới mức thấp nhất các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra đối với lứa tuổi học sinh.

Chị Nguyễn Thị Nhung cho biết thêm: “Ban đầu thực hiện mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, chúng tôi triển khai điểm ở một số trường thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc. Đến nay chúng tôi đã triển khai được 28 cổng trường từ tiểu học đến trung học phổ thông. Đối với trường trung học phổ thông thì gắn với mô hình này đó là thành lập đội thanh niên xung kích bảo đảm an toàn giao thông. Còn đối với các liên đội, tiểu học, trung học cơ sở thì chúng tôi thành lập đội măng non hoặc đội cờ đỏ để thực hiện nhiệm vụ này”.

Có thể nói, việc triển khai có hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” trên địa bàn huyện Đam Rông đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ đối với các em học sinh. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả, ngoài sự vào cuộc quyết quyết liệt của Huyện Đoàn, ngành giáo dục, các cấp ủy chính quyền thì rất cần sự chung tay, quan tâm của cộng đồng và toàn xã hội, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho các em học sinh - thế hệ tương lai của đất nước.

Nguồn: Báo Lâm Đồng