Hòa Bình: Nỗ lực đảm bảo giao thông trên tuyến tỉnh lộ 433

Ngày 01/11/2017
Hàng trăm điểm sạt lở, nhiều đoạn đường bị phá hủy, cắt đôi cũng chưa nói hết thảm cảnh giao thông, đặc biệt là trên tuyến tỉnh lộ 433 địa bàn huyện Đà Bắc sau trận mưa lũ kinh hoàng. Để đảm bảo thông xe trong thời gian sớm nhất có nỗ lực rất lớn của ngành GTVT Hoà Bình.

Chưa bao giờ giao thông của huyện Đà Bắc lại bị tàn phá với mức độ khủng khiếp như ở trận mưa lũ xảy ra từ ngày 9 - 12/10 vừa qua. Các tuyến đường bộ liên xã bị xói mòn bề mặt đường nghiêm trọng. Tại các điểm ngầm, nước lũ đã gây nên tình trạng sạt lở tắc cục bộ tại các tuyến đi các xã. Hiện còn 2 xã Mường Tuổng, Đồng Ruộng vẫn bị cô lập hoàn toàn về đường bộ, chỉ có thể tiếp cận bằng đường thủy. Đường liên các xóm sạt lở nhiều đoạn dẫn đến tình trạng các xóm không lưu thông được với nhau. Thiệt hại đối với giao thông trên địa bàn huyện ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Trên tuyến đường tỉnh 433, trận mưa lũ lịch sử đã gây ra 228 điểm sạt lở taluy dương với khối lượng sạt lở trên 200.000 m3. Trong đó có trên 130 điểm đất đá sạt lở gây tắc đường. Đặc biệt, đoạn từ km76+00 đến km 84 +00 và km 86+00 có khối lượng đất, đá sạt lở rất lớn. Nhiều khối đá lớn nằm trên nền đường phải dùng thuốc nổ để phá mới có thể dùng máy thi công được. 25 điểm sạt lở taluy âm, trong đó có 9 vị trí gây đứt đường do sạt lở cuốn trôi toàn bộ nền mặt đường, có những điểm bị đứt dài 50 m, sâu 10 m. Tất cả 23 ngầm trên tuyến bị ngập nặng, ngầm ngập sâu nhất 5m, nhiều vị trí bị lấp tắc, xói lở, bong bật, hư hỏng nghiêm trọng, chưa kể trên tuyến còn xuất hiện vết nứt có nguy cơ sạt lở mặt đường dài 30 m tại km 43+300. Thiệt hại riêng đối với tuyến tỉnh lộ 433 khoảng 70 tỷ đồng.

Km78 + 00 địa phận xóm Nánh, xã Suối Nánh (Đà Bắc) là vị trí khó, 
đồng thời là vị trí cuối cùng được xử lý ách tắc giúp thông toàn tuyến tỉnh lộ 433.

Đồng chí Lê Ngọc Quản, Phó Giám đốc Sở GTVT Hoà Bình cho biết: Đường tỉnh 433 là tuyến đường độc đạo, huyết mạch nối thành phố Hòa Bình với trung tâm huyện Đà Bắc và các xã Toàn Sơn, Tu Lý, Cao Sơn, Tân Minh, Tân Pheo, Giáp Đắt, Mường Chiềng, Suối Nánh, Đồng Nghê. Trên tuyến có địa hình phức tạp, chủ yếu một bên núi cao, một bên vực sâu, địa chất không ổn định, thường xuyên xảy ra sạt lở trong mùa mưa bão, có nhiều suối cắt ngang. Để khắc phục hậu quả về giao thông, Sở GTVT đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, các sở, ngành của tỉnh và huyện, xã nơi có tuyến đường bộ đi qua, đồng thời chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ huy động tối đa máy móc, thiết bị, vật tư và nhân lực, kể cả huy động từ các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm mục tiêu thông xe trong thời gian sớm nhất.

Ngay sau khi xảy ra sự cố giao thông nghiêm trọng, Sở GTVT Hoà Bình đã thành lập tổ công tác trực tiếp vào hiện trường chỉ đạo đảm bảo giao thông trên tuyến. Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công tổ chức hót sụt đảm bảo thông xe ngay trong ngày 10/10, riêng tại km3+100 đến 17h ngày 12/10 mới thông xe. Đoạn từ km10 vào đến cuối tuyến, các lực lượng và máy móc đã được huy động, tổ chức 4 mũi thi công đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, do có rất nhiều vị trí bị sạt lở ta luy dương, vị trí đá rơi với khối lượng lớn, nhiều vị trí sạt lở ta luy âm gây đứt đường dẫn đến việc thông xe trên tuyến gặp khó khăn. Bằng các biện pháp nổ mìn phá đá, huy động toàn lực, đến 19h ngày 18/10, ngành GTVT Hoà Bình đã hoàn thành thông xe toàn tuyến.

Việc đảm bảo thông xe tuyến đường tỉnh 433 trước thời hạn dự kiến đã tạo điều kiện để công tác cứu trợ, tiếp cận với người dân vùng thiên tai kịp thời, hệ thống thông tin liên lạc được thông suốt. Có một thực tế là hiện nay, đối với những vị trí đã thông tuyến chỉ đáp ứng việc lưu thông bước 1 chứ chưa thể hoàn trả lại nguyên trạng. Với các đoạn tuyến sạt lở đứt đường, lực lượng xử lý sự cố mới tạm thời dùng máy đào về phía ta luy dương để đảm bảo thông xe nên thiếu sự ổn định lâu dài. Hiện tại, các đơn vị tiếp tục san gạt, hót dọn sụt sạt để đảm bảo giao thông, đồng thời ứng trực 24/24 giờ xử lý các sự cố về sạt lở trên toàn tuyến.

Nguồn: Báo Hòa Bình