Cách tốt nhất để giảm tai nạn đường sắt ngang đường dân sinh

Ngày 07/11/2017
Liên tiếp những va chạm giữa phương tiện đường bộ với tàu hỏa khiến người ta không khỏi băn khoăn: Bởi đâu tai nạn mãi xảy ra ở một nơi hoàn toàn phòng tránh được?

Ở không ít đường ngang, đèn tín hiệu cảnh báo về tàu hỏa bật sáng và tiếng chuông vang giục giã dường như tỉ lệ thuận với sự rối loạn của giao thông.

Người dân băng cắt khi tàu ở khoảng cách rất gần (Đường Ngọc Hồi, Hoàng Mai, Hà Nội).

Thực tế, khi barie được kéo ra, nhiều người điều khiển không muốn mất thời gian chờ tàu cố gắng luồn lách qua khe hở dần thu hẹp. Một clip được lan truyền trên mạng mới đây ghi lại cảnh khiến người xem rùng mình: Một phụ nữ bất chấp xe lửa đang lao tới đã tự nhấc rào chắn phóng xe máy qua đường ngang.

Không ít trường hợp yêu cầu nhân viên cảnh giới phải mở chắn, thậm chí còn tỏ thái độ khó chịu, lăng mạ, hành hung nhân viên trực trạm gác chắn.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cả nước còn khoảng hơn 4200/ 5784 điểm đen 3 không
(Biển báo, rào chắn và người gác).

Lý giải hành động này, đa số người tham gia giao thông thấy tàu chưa tới nên nếu vượt nhanh hẳn sẽ không biến cố gì. Nhưng ít ai biết, vận tốc ở nhiều khu đoạn tới 80km/h việc ước lượng bằng mắt thường tàu hỏa đang chạy chậm là suy nghĩ nguy hiểm, đe dọa trực tiếp an toàn chạy tàu cũng như tính mạng của họ, những người cùng tham gia giao thông khác.

Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra trên đường ngang dân sinh cả với người điều khiển xe máy và ô tô khi cố "chạy qua đầu tàu hỏa" trên đường ngang.

Anh Phan Văn Hoàn (Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội) nhận định: “Theo tôi, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn đường sắt phần lớn do ý thức tham gia giao thông còn kém cộng thêm sự chủ quan, thiếu quan sát khi tới điểm giao cắt sau đó mới đến những bất cập về hạ tầng giao thông.”

Nhiều người hoài nghi về trách nhiệm của chính ngành Đường sắt Việt Nam khi các vụ tai nạn xảy ra. “Tại sao ngành Đường sắt không bố trí nhân viên và rào chắn trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam khi có đường bộ giao cắt, đến khi xảy ra tai nạn lại đổ lỗi cho người đi đường thiếu quan sát?”, một bạn đọc nêu.

Tuy nhiên, điều 25, Luật Giao thông đường bộ đã qui định những trường hợp cụ thể theo đặc điểm từng đường ngang: “Trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt được quyền ưu tiên đi trước”. Để bảo vệ tính mạng bản thân, người lưu thông qua những đoạn đường giao nhau này nên cảnh giác, cẩn trọng quan sát và chủ động nhường tàu như Luật định.

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam